Thách thức của ngành nuôi trồng thủy sản
Sáng ngày 10/9, tại TP Hồ Chí Minh, trong khuôn khổ Họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam - Aquaculture Vietnam 2024, TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho biết, ngành thủy sản Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, đặc biệt là biến đổi khí hậu gây ra nhiệt độ tăng, mực nước biển dâng và thời tiết cực đoan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động nuôi trồng. Áp lực giảm phát thải khí nhà kính đòi hỏi thay đổi phương thức sản xuất. Bên cạnh đó là vấn đề giá đầu vào tăng trong khi giá sản phẩm không ổn định, chất lượng con giống và công nghệ nuôi trồng chưa thích ứng với biến đổi khí hậu.
TS. Lê Thanh Lựu - Giám đốc Trung tâm hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) khuyến khích áp dụng công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường trong nuôi trồng thuỷ sản
“Để giải quyết, ngành cần đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nuôi trồng thích ứng với biến đổi khí hậu; Xây dựng lộ trình chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn và kinh tế xanh, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân chuyển đổi phương thức sản xuất, đạt chứng chỉ cần thiết và thích ứng với yêu cầu giảm phát thải carbon” - ông Lựu nhấn mạnh.
Theo thống kế của Cục thủy sản, tổng sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2024 đạt trên 4,38 triệu tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nuôi trồng thủy sản đạt trên 2,43 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 4,355 tỷ USD, tăng 4,9% so cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, giữa những thành công, ngành vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức như dịch bệnh, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Biến đổi khí hậu với các hiện tượng cực đoan như hạn hán, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến chất lượng nước và sản lượng. Ô nhiễm môi trường từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp cũng gây ra nhiều khó khăn cho ngành nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh đó, sự cạnh tranh khốc liệt và các rào cản thương mại ngày càng gia tăng từ các thị trường lớn như Mỹ và Liên minh Châu Âu cũng gây ra những trở ngại đáng kể.
Ông Nguyễn Việt Thắng - Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam cho biết, nghề nuôi biển nhiều nơi thiệt hại hơn 90% vì bão Yagi. Hội Thủy sản Việt Nam đang kêu gọi các địa phương ổn định sản xuất, phục hồi sau bão
Để thích ứng với những biến đổi của thị trường và đảm bảo sự phát triển bền vững, ngành nuôi trồng thủy sản cần tập trung vào một số giải pháp chính.
Thứ nhất, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất.
Thứ hai, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm bằng cách xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
Thứ ba, phát triển thị trường thông qua việc tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới và nâng cao giá trị thương hiệu cho thủy sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ mới cũng là một hướng đi quan trọng.
Trong đó, Giảm phát thải khí nhà kính trong nuôi trồng thủy sản là một yếu tố quan trọng để phát triển nền kinh tế xanh bền vững. Một trong những giải pháp tiềm năng là áp dụng các lựa chọn thay thế thức ăn có lượng phát thải thấp. Việc chuyển sang thức ăn làm từ tảo hoặc protein côn trùng có thể giúp giảm lượng khí thải carbon trong ngành công nghiệp này. Ngoài ra, việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời và năng lượng gió, vào hoạt động nuôi trồng thủy sản có thể làm giảm lượng khí thải hơn nữa. Những nguồn năng lượng này có thể cung cấp năng lượng cho hệ thống sục khí, máy bơm nước và các thiết bị thiết yếu khác, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Họp báo giới thiệu Triển lãm quốc tế chuyên ngành thủy sản tại Việt Nam - Aquaculture Vietnam 2024
Aquaculture Vietnam 2024: Cơ hội bứt phá cho ngành thủy sản Việt Nam
Triển lãm Quốc tế chuyên ngành thủy sản Aquaculture Vietnam 2024 diễn ra từ ngày 9 đến 11/10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), quận 7, TP Hồ Chí Minh.
Aquaculture Vietnam là Triển Lãm Quốc Tế Chuyên Ngành Thủy Sản tại Việt Nam. Đây là một sự kiện toàn diện giúp khách tham quan có thể tiếp cận toàn bộ chuỗi giá trị chăn nuôi thủy sản từ lĩnh vực nuôi trồng, đánh bắt cho đến chế biến.
Aquaculture Vietnam 2024 hợp tác chặt chẽ cùng Hội Thủy sản Việt Nam (VINAFIS), Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thuỷ sản Bền vững (ICAFIS) các hiệp hội, cơ quan ban ngành, đơn vị truyền thông trên khắp các tỉnh thành nuôi trồng thủy sản trọng điểm tại Việt Nam. Sự hợp tác này nhằm mang đến các giá trị mới cho triển lãm, không chỉ là nơi giao thương kinh doanh mà còn là diễn đàn khoa học, cập nhật công nghệ, kiến thức và xu hướng mới.
Aquaculture Vietnam 2024 sẽ quy tụ hơn 100 đơn vị trưng bày và thu hút khoảng 4.000 khách tham quan từ hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ.
Bên cạnh chương trình triển lãm, rất nhiều thông tin chuyên ngành sẽ được chia sẻ đến khách tham dự tại chuỗi chương trình hội thảo được tổ chức tại Triển lãm Aquaculture Việt Nam 2024. Nơi các chuyên gia hàng đầu từ các doanh nghiệp, trường Đại học và Hiệp hội hàng đầu sẽ mang đến những kiến thức và kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản quý giá thông qua chuỗi hội thảo chuyên ngành với nhiều chủ đề khác nhau.
“Với tầm nhìn phát triển bền vững ngành thủy sản, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành đã chủ động triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nuôi trồng, như cung cấp tín dụng ưu đãi, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ giống, và phát triển hạ tầng. Song song đó, các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển và chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư nước ngoài cũng đã tạo ra những cơ hội mới cho ngành thủy sản. Với sự hợp tác từ các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp và các hộ nông dân, Việt Nam có thể đạt được một ngành nuôi trồng thủy sản bền vững và thịnh vượng, đáp ứng cả mục tiêu kinh tế và môi trường" - Chủ tịch Hội thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng |