Tại hội thảo mới đây ở TPHCM về công trình xanh, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cho biết hiện nay sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ từ các quỹ tiết kiệm năng lượng rất hạn chế với các công trình xanh (CTX). Bởi vì chưa có cơ chế ưu đãi hay khuyến khích cụ thể đối với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để thúc đẩy hoặc bắt buộc chứng nhận dán nhãn năng lượng, chứng nhận công trình xanh đối với các công trình xây dựng. Do đó, cần ban hành cơ chế khuyến khích đầu tư CTX, xây dựng chính sách ưu đãi về nhiều mặt cho các nhà đầu tư tham gia phát triển CTX. Cụ thể ưu đãi về thuế, các thủ tục hành chính, hệ số quy hoạch, ưu đãi về đơn giá thiết kế và xây dựng CTX.
![]() |
Tòa nhà Vincom Center ở TPHCM, một trong những công trình xanh ở Việt Nam hiện nay. |
Bà Đỗ Ngọc Diệp, Chuyên gia Công trình xanh, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), nhận định nếu kiến trúc xanh được áp dụng đồng loạt với các công trình xây mới, mỗi quốc gia có thể tiết kiệm hàng tỷ đô la Mỹ chi phí năng lượng và giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Ông Lê Văn Tới, Phó chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng có bốn vướng mắc gây chậm trễ trong thực hiện. Thứ nhất, vướng mắc do thiếu một số hướng dẫn trong cơ chế chính sách. Nhiều quy định tưởng chừng rất cụ thể, nhưng khi áp dụng nhiều địa phương không thực hiện được, ví dụ như vay vốn ưu đãi đầu tư. Thứ hai, vướng mắc do thiếu vắng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết. Một số tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật cần thiết vẫn chưa được ban hành, hoặc chưa được điều chỉnh kịp thời. Thứ ba, vướng mắc do chưa tuân thủ kỹ thuật trong thiết kế và thi công công trình. Thứ tư, vướng mắc do thiếu đôn đốc trong quản lý.
Theo ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển – Capital House, tại Việt Nam, phần lớn chủ đầu tư, người mua nhà, các sàn giao dịch bất động sản… cũng hiểu khá sai lệch khái niệm công trình xanh. Do sự hiểu chưa đúng này, Công trình Xanh ở Việt Nam nói chung đang phát triển hết sức chậm chạp, không tương xứng với tiềm năng của ngành xây dựng.
TS. KTS. Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho biết Việt Nam hiện đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Cả nước có khoảng 809 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 37%, dự đoán sẽ đạt mức 45-50% trong 10 năm tới. Hàng năm, có khoảng 1 triệu người trở thành cư dân đô thị. Nhu cầu về xây dựng và phát triển đô thị sẽ tiếp tục tăng cao trong thời gian tới. Hiện chưa có cơ chế ưu đãi cụ thể và thích đáng đối với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình được chứng nhận là công trình xanh. Sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ từ các quỹ tiết kiệm năng lượng còn hạn chế. Vì vậy, cần xây dựng và ban hành các cơ chế ưu đãi cụ thể đối với các công trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, công trình được chứng nhận là công trình xanh (ưu đãi về thuế, phí…).