Lễ ký kết hợp tác giữa Viện Môi trường và Tài nguyên với công ty cổ phần Green Stars, Công ty cổ phần Việt Nam Food.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thuỷ sản tháng 10/2020 ước đạt 3,75 tỷ USD, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Ở khu vực ĐBSCL ngành hàng thủy sản quan trọng chủ yếu là chế biến tôm và cá tra để xuất khẩu với nguồn nguyên liệu chủ yếu là thủy sản nuôi trồng quy mô công nghiệp.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) nhận định, các phụ phẩm trong chế biến cá tra phi lê đông lạnh như đầu, xương, da, vây, nội tạng, mỡ… tuy đã tận dụng để sản xuất ra các sản phẩm như dầu cá, bột cá, bong bóng, bao tử cá...nhưng sản phẩm còn thô; chưa có những sản phẩm cao cấp dùng trong dược phẩm hoặc mỹ phẩm như tinh dầu cá, gelatine, thực phẩm chức năng chứa vi chất… có giá trị gia tăng cao. Điều này cũng đúng đối với tôm hoặc một số mặt hàng thủy sản khác. Cũng theo các chuyên gia về chế biến thủy sản, chỉ có 55-65% sinh khối của con tôm được sử dụng, 35 – 45% phần còn lại bị bỏ đi, một phần nhỏ phụ phẩm này vẫn được xử lý bằng các phương pháp truyền thống gây ô nhiễm và thành các sản phẩm có giá trị thấp. Đồng thời gây ô nhiễm nặng nề cho môi trường do chưa có cách xử lý chất thải hiệu quả cho ngành tôm. Như vậy, nhìn chung việc chế biến phụ phẩm để nâng cao giá trị toàn ngành thì vẫn nhiều hạn chế.
Để từng bước tìm ra giải pháp cho những hạn chế còn tồn tại trong ngành thủy sản, đặc biệt là ở khu vực ĐBSCL. Các nhà khoa học thuộc Viện Môi trường và Tài nguyên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh, dẫn đầu là Giáo sư Tiến sĩ Lê Thanh Hải đã tiến hành nghiên cứu “mô hình sinh thái khép kín nhằm nâng cao chuỗi giá trị cho ngành chế biến thủy sản tại khu vực ĐBSCL”. Mô hình này được triển khai có sự hợp tác của một số doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản như công ty cổ phần đầu tư Green Stars, Công ty cổ phần Việt Nam Food.
TS. Nguyễn Xuân Niệm (Giữa) Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang và các nhà khoa học tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm chế biến từ phụ phẩm ngành tôm.
Theo GS.TS Lê Thanh Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, chủ nhiệm đề tài chia sẻ: “Đây là đề tài nghiên cứu nằm trong chương trình Khoa học Công nghệ cấp Quốc gia giai đoạn 2014 – 2019, khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Nam Bộ. Các giải pháp thực hiện trong phạm vi nghiên cứu được triển khai ngay từ vùng nguyên liệu cho đến tận nhà máy sản xuất với mục tiêu nhằm giảm thiểu tác động môi trường góp phần gia tăng chuỗi giá trị của ngành chế biến thủy sản ở ĐBSCL”.
Cũng theo GS Hải một số giải pháp cụ thể cho chất thải trong ngành cá da trơn như: Tại vùng nuôi sẽ tận dụng các phế thải là xác cá chết ủ làm phân đạm, sấy khô làm thức ăn gia súc, nước thải của quá trình nuôi được xử lý bằng thực vật thủy sinh, thực vật thủy sinh này có thể kết hợp với bùn đáy ao nuôi để làm phân hữu cơ… Tại các nhà máy chế biến ngoài các phụ phẩm có giá trị như đầu, da, xương, mỡ được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi, thực phẩm, bùn thải tiếp tục được tái sử dụng dưới dạng phân compost, nước thải được xử lý và lọc qua vật liệu Biochar (than sinh học) có thể sử dụng để bón cho cây trồng công trình đô thị.
Về việc hợp tác giữa doanh nghiệp và các nhà khoa học, ông Nguyễn Anh Tuấn, tổng giám đốc công ty cổ phần Green Star cho biết: “Thông qua hợp tác, bằng việc sử dụng kết quả của đề tài nghiên cứu đưa hoạt chất chitosan từ phế thải là đầu tôm vào các sản phẩm phân bón của công ty. Qua thử nghiệm bước đầu trên cây lúa cho thấy đã giảm được lượng phân bón vô cơ, giảm chi phí về phân bón, tăng năng suất từ đó lợi nhuận cũng tăng lên”. Cũng theo ông Tuấn, với sự thành công bước đầu trong việc hợp tác, trong thời gian tới sau khi nhận chuyển giao từ kết quả nghiên cứu, công ty sẽ tập trung hoàn thiện các dòng sản phẩm theo hướng hữu cơ giúp hạn chế chất thải vào môi trường, giảm chi phí xử lý môi trường, từ đó nâng cao chất lượng nông sản, tăng hiệu quả sản xuất cho người nông dân theo hướng gia tăng chuỗi giá trị sản xuất trong ngành nông nghiệp.