Chủ tịch tỉnh bị đe doạ
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bắc Ninh, UBND tỉnh đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân đe dọa cán bộ chuyên môn, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh sau khi tỉnh này quyết định dừng dự án nạo vét luồng kết hợp tận thu cát sỏi trên sông Cầu.
VPCP vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về đề nghị của UBND tỉnh Bắc Ninh tiếp tục tạm dừng triển khai thực hiện dự án nạo vét, khơi thông luồng đường thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an khẩn trương điều tra, xác minh làm rõ việc các đối tượng đứng sau "bảo kê", đe dọa cán bộ, lãnh đạo sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong tháng 3/2017.
Tài sản Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ
Ông Huỳnh Đức Thơ. |
Văn phòng UBND TP Đà Nẵng phát đi thông cáo về thông tin Chủ tịch TP Huỳnh Đức Thơ được cho là sở hữu tài sản lớn.
“Việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập của ông Huỳnh Đức Thơ đã được theo đúng nguyên tắc của Đảng và Nhà nước. Bản kê khai hiện nay được giao nộp, lưu trữ tại cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ để thực hiện công tác giám sát theo đúng quy định”, thông cáo khẳng định.
Thông cáo cho biết thêm, do ông Huỳnh Đức Thơ thuộc diện Trung ương quản lý nên việc tiến hành các công việc thẩm tra, xác minh sau kê khai (nếu có) sẽ do cơ quan Trung ương chỉ đạo thực hiện.
Bộ Tài chính nói về sở hữu cổ phần lớn của Thứ trưởng Kim Thoa
Theo đại diện Bộ Tài chính, trước đây đúng là có việc ưu tiên bán cổ phần doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) theo thỏa thuận từ trước. Tuy nhiên, từ năm 2015, việc lãnh đạo DNNN và người nhà trở thành chủ sở hữu doanh nghiệp như trường hợp gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã không còn.
Theo báo cáo quản trị năm 2016 của CTCP Bóng đèn Điện Quang, hiện gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ tổng cộng 11,8 triệu cổ phiếu DQC, chiếm 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp này.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa. |
Chấm dứt nhận ô tô doanh nghiệp biếu, tặng
Để tránh xảy ra tiêu cực, thông qua hình thức nhận quà biếu, tặng từ doanh nghiệp cũng như tránh thất thoát tài sản nhà nước dưới hình thức miễn thuế đối với các xe nhập khẩu, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ chấm dứt việc tiếp nhận xe ô tô của doanh nghiệp biếu, tặng.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính rà soát tổng số xe ô tô dư thừa để điều chuyển cho các Bộ, ngành và địa phương có nhu cầu phục vụ công tác được giao; chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ kiểm tra, làm rõ việc các Bộ, ngành và địa phương tiếp nhận, sử dụng xe ô tô do các doanh nghiệp tặng; trường hợp phát hiện có sai phạm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức có liên quan và xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật. Báo cáo Thủ tướng trước ngày 28/4/2017.
Xe công thanh lý 46,2 triệu/chiếc
Giải thich về việc xe công thanh lý 46,2 triệu/chiếc, Bộ Tài chính cho rằng, nếu chia bình quân số xe thanh lý/ tiền thu được ra kết quả 46,2 triệu đồng/xe mới chỉ là thông tin ban đầu, chưa phản ánh đầy đủ việc thanh lý tài sản là xe ô tô công.
Bộ Tài chính cho hay 761 xe ô tô mà các Bộ, ngành và địa phương báo cáo đã thanh lý thu được 35,15 tỷ đồng. 17 xe báo cáo đã thanh lý (trong đó có 9 xe thanh lý theo hình thức phá dỡ, 8 xe chuyển sang làm mô hình học cụ, sửa chữa ô tô, thiết bị dạy nghề), không thu được tiền. 183 xe đã quá cũ, lạc hậu (xe sử dụng từ năm 1996 trở về trước, xe Lada, xe Uoat, xe Gaz,... ) với tổng số tiền thu được là 5,4 tỷ đồng.
Cơm nắm vỉa hè, lãi gần 50 triệu/tháng
Theo chia sẻ của chị Xuân, một người bán cơm nắm vỉa hè, mỗi ngày có thể bán hết 150 nắm cơm nắm và 100 cặp bánh dày giò, thu lãi trên 1,6 triệu đồng. Tính ra mỗi tháng, chị 'lấy công làm lãi' cũng được gần 50 triệu đồng.
Cụ thể, mỗi nắm cơm lấy buôn giá 1.500 đồng, muối lạc và ruốc hết 1.500 đồng nữa, bán ra 10.000 đồng, chị lãi 7.000 đồng/nắm. Tương tự, bánh dày giờ lấy buôn giá 2.000 đồng/cặp, giò hết 2.000 đồng nữa nhưng bán ra được 10.000 đồng/cặp, lãi 6.000 đồng/cặp.
Bán cơm nắm vỉa hè thu tiền triệu mỗi ngày. |
Nuôi cá hồi trên đỉnh Mẫu Sơn thu gần 6 tỷ/năm
Ông Hoàng Văn Tạ (53 tuổi) ở xã Mẫu Sơn, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) là người đầu tiên đưa cá hồi từ Sa Pa (Lào Cai) về nuôi. Giờ, doanh thu mỗi năm từ cá hồi của gia đình ông đạt gần 6 tỷ đồng.
Cá hồi giống được thả nuôi vào tháng 3 và tháng 10. Trước đây, mỗi năm chỉ nuôi một lứa cá hồi, bây giờ nhờ tiến bộ kỹ thuật nên cá mẹ đẻ trứng cho ấp nở 2 lần/năm. Sau một năm nuôi cá thương phẩm đạt từ 1,5-2kg/con.
Vợ ông, bà Hoàng Thị Phượng cho biết: “Du khách đến đỉnh Mẫu Sơn rất chuộng món cá hồi của nhà hàng, bởi cá vừa vớt lên được chế biến luôn nên thịt rất tươi và ngon”.
Cường Đô la khoe siêu xe 20 tỷ, đồng hồ 13 tỷ
Cường Đô La lại gây "sốc" về độ giàu có khi khoe khéo siêu xe Lamborghini 20 tỷ đồng và chiếc đồng hồ Patek Philippe trị giá 13 tỷ đồng.
Cường Đô La vừa gây "sốc" về độ giàu có khi khoe chiếc đồng hồ hàng hiệu anh vừa có trên trang cá nhân. |
Trong khi đó, những khoản nợ hàng ngàn tỷ đồng sắp đến hạn phải trả đang phủ bóng lên công ty nhà ông Nguyễn Quốc Cường (Cường đô-la), trái ngược hoàn toàn với một cuộc sống xa hoa đầy siêu xe và hotgirl của đại gia này.