Dù tòa án đã đình chỉ thụ lý vụ kiện của Uber, Cục Thuế TP.HCM vẫn có văn bản xin ý kiến về việc tái cưỡng chế truy thu thuế doanh nghiệp này, vì sợ ảnh hưởng đến tài xế.
Cục Thuế TP.HCM cho biết đã có văn bản xin ý kiến Tổng cục Thuế về việc tái cưỡng chế truy thu số tiền 53,3 tỷ đồng còn thiếu của Uber B.V. Cục thuế TP.HCM cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm, nên vẫn chờ văn bản trả lời để có hướng xử lý tiếp theo.
Khách hàng sử dụng xe Uber tại TP.HCM - Ảnh: TL
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, cho rằng việc tiếp tục cưỡng chế truy thu vẫn có cơ sở để thực hiện, nhưng Cục Thuế đang cân nhắc đến quyền lợi của tài xế trong khoản tiền phải truy thu, nên cần phải xin ý kiến rõ ràng.
“Đây rõ ràng là vấn đề nhạy cảm, bởi Uber thục hiện theo phương thức ăn chia giữa Uber và tài xế thì tiền thanh tóan sử dụng dịch vụ chuyển thẳng về tài khoản của Uber. Sau đó Uber mới hoàn lại 80% tỷ lệ ăn chia cho tài xế. Nếu cơ quan thuế cưỡng chế trực tiếp trên tài khoản Uber sẽ dễ dẫn đến việc tài xế mất thu nhập.
Hơn hết chúng tôi cần xin ý kiến để có hướng giải quyết phù hợp, tránh ảnh hưởng đến quyền lợi của tài xế”, ông Tâm cho biết.
Việc truy thu số tiền 66,68 tỷ đồng với Công ty Uber B.V đã kéo dài nhiều tháng qua, với nhiều diễn biến căng thẳng. Uber B.V đã liên tục trì hoãn và khiếu nại lên Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Tuy nhiên, Bộ Tài chính đã bác khiếu nại.
Ngày 13/12, Cục Thuế TP.HCM ra tối hậu thư yêu cầu Uber B.V nộp khoản thuế trên trong vòng 10 ngày. Hết thời hạn, Uber B.V mới nộp 13,3 tỷ đồng nên cơ quan này áp dụng các biện pháp cưỡng chế truy thu.
Với biện pháp cưỡng chế này, số tiền mà khách hàng trả cho Uber B.V sẽ chuyển vào tài khoản cơ quan thuế, thay vì chuyển ra nước ngoài cho Uber B.V cho đến khi Cục Thuế TP.HCM thu đủ số nợ hơn 53 tỷ đồng trong tổng số tiền mà Uber bị truy thu.
Cục Thuế TP.HCM đã có văn bản gửi đến 5 ngân hàng mà Uber B.V mở tài khoản, để yêu cầu cưỡng chế.
Trước động thái này, Uber gửi văn bản đến Cục Thuế TP.HCM, khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong thời hạn cho phép. Tuy nhiên, cùng với việc khẳng định nộp khoản thuế bị truy thu, Uber B.V tiếp tục khiếu nại và khởi kiện cơ quan thuế ra tòa.
Đầu tháng 1, Tòa án nhân dân TP.HCM thông báo đình chỉ thụ lý vụ Uber B.V khởi khiện Cục Thuế TP.HCM. Nguyên nhân là Uber B.V chưa nhận được ủy quyền của công ty Uber mẹ tại Hà Lan nên chưa đủ tư cách pháp lý làm nguyên đơn khởi kiện.
Cùng với đình chỉ thụ lý vụ kiện, tòa án cũng hủy bỏ việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời liên quan đến yêu cầu chưa thực hiện cưỡng chế tài khoản Uber B.V.
Trao đổi với Tiền Phong trước đó, nhiều tài xế Uber, Grab không tránh khỏi bức xúc khi mức chiết khấu ngày càng tăng, thu nhập của họ bị ảnh hưởng lớn. Cụ thể, chiết khấu cho dịch vụ ô tô của Grab đã lên đến 28,6% còn Uber lên tới 29,5%.
Anh Nguyễn Cát Phương, tài xế GrabCar chia sẻ, trung bình một ngày chạy “cật lực” 8 tiếng được 15 – 25 cuốc thì sẽ thu về 700.000 - 800.000 đồng tương ứng với khoảng 80 – 90km. Trừ chi phí hãng 25% sau đó còn 75% còn lại trừ tiếp 4,5% thuế thu nhập cá nhân, trừ phí xăng xe khoảng 20 – 30% chưa kể các chi phí phụ. Những người khỏe hơn có thể “cày” 10 – 14 tiếng mỗi ngày thu về tầm 1 – 1,3 triệu đồng nhưng sẽ ảnh hưởng đến an toàn lao động.
Tính ra, một ngày làm việc của anh Phương chỉ thu về khoảng 200.000 đồng, và đối với nhiều GrabCar khác cũng như vậy, không đủ trả tiền vay vốn ngân hàng, đặt sổ đỏ để mua xe. Nhiều tài xế đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
“Theo tôi được biết Uber ở thị trường Châu Âu chiết khấu của họ dưới 15%, ở thị trường Indonesia đang là 9,2% chúng tôi mong muốn Uber giảm chiết khấu để đảm bảo thu nhập cho tất cả anh em lái xe”, anh Phương chia sẻ.
Cùng cảnh ngộ, anh Phạm Hoài Nam, tài xế Uber chia sẻ, lúc đầu Uber, Grab với dịch vụ ô tô có chiết khấu thấp, chế độ ưu đãi hấp dẫn, chính những thuận lợi như vậy nên mọi người đã đồng lòng, xác định gắn bó để làm đối tác với Uber, Grab. Nhưng theo thời gian hãng tăng chiết khấu lên trong khi đó rất nhiều người phải vay ngân hàng để mua xe, giờ phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ.
“Vì khi nhìn thấy chiết khấu thấp như vậy, cuộc kinh doanh có lợi nhuận, hiệu quả cho hai bên thì chúng tôi mới dám đầu tư. Nhiều người vỡ nợ vì Grab, Uber tăng chiết khấu, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của tài xế”, anh Nam bức xúc.