Theo báo cáo nhập khẩu hàng hóa Tổng cục Hải quan vừa công bố, Việt Nam chỉ nhập khẩu 60 ôtô nguyên chiếc từ đầu năm đến 15/1, đạt giá trị 5,6 triệu USD (hơn 127 tỷ đồng). Trong đó, xe 9 chỗ ngồi trở xuống có 6 chiếc, 10 chiếc trên 9 chỗ và 27 xe vận tải.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng ôtô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam giảm hơn 80 lần. Trong 15 ngày đầu năm ngoái, cả nước nhập khẩu 5.000 ôtô nguyên chiếc, trị giá gần 116 triệu USD. Trong đó, xe 9 chỗ trở xuống có 3.701 chiếc, 11 xe 9 chỗ trở lên và hơn 1.000 xe tải.
![]() |
Số lượng xe nhập khẩu vào Việt Nam giảm mạnh từ đầu năm 2018. |
Năm 2018 bắt đầu với hy vọng của người tiêu dùng Việt Nam khi sẽ được mua ôtô giá rẻ, với các mẫu xe sản xuất trong khu vực ASEAN được miễn thuế nhập khẩu (đáp ứng đủ các điều kiện). Tuy nhiên, với các quy định mới (*) về kinh doanh nhập khẩu ôtô chưa qua sử dụng tại Nghị định 116/2017/NĐ-CP, các hãng cho biết chưa thể xác định chính xác thời điểm nào có thể hoàn thiện thủ tục để tiếp tục đưa xe về Việt Nam. Và ngay cả khi có đáp ứng được các điều kiện này, việc thực hiện các thủ tục hải quan và đăng kiểm cũng đã mất ít nhất 2 tháng (theo quy định là 70 ngày cho thủ tục này) trước khi bán xe đến người tiêu dùng; chưa kể việc đặt hàng, sản xuất và vận chuyển từ nước sản xuất cũng cần những khoảng thời gian nhất định (từ ASEAN mất khoảng 2 tuần, từ châu Âu và Mỹ khoảng 65-70 ngày kể từ khi xuất cảng).
Đại diện một hãng xe cho biết: “Giả sử có giấy Chứng nhận kiểu loại cho xe nhập khẩu thì cũng mất đến 70 ngày chờ thử nghiệm trước khi thông quan. Nếu trung bình mỗi hãng nhập 1-2 mẫu xe về cùng trong 1 tháng thì thời gian chờ để thử nghiệm hết cũng đã là gần 400 ngày”.
Và vấn đề về Giấy chứng nhận kiểu loại - điểm mấu chốt để có thể đưa được xe vào thị trường Việt Nam, vào thời điểm này vẫn là loại giấy tờ mà các hãng khó có thể đáp ứng được. Hiện tại, các xe sản xuất cho thị trường châu Âu và Nhật Bản đều theo tiêu chuẩn khí thải Euro 6 và có thể không tương thích với nhiên liệu hiện đang được cung cấp tại Việt Nam. Xe nhập từ khu vực Đông Nam Á (chủ yếu từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia) có tay lái bên phải, nếu sử dụng giấy CNCL kiểu loại từ nước sở tại, sẽ không được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp nhận do có sự khác biệt về vị trí tay lái, trong khi đó thời điểm này các nước sản xuất cũng không có loại giấy tờ chứng nhận cho các mẫu xe thuộc đơn hàng theo yêu cầu và tiêu chuẩn của thị trường Việt Nam.
Theo Pháp luật TPHCM ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng Tiểu ban Chính sách Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), cho hay lượng xe nhập khẩu về Việt Nam đã giảm sút cực nhanh thời điểm đầu năm 2018. Nguyên nhân bởi hàng loạt hãng xe bị vướng Nghị định 116 nên đã chính thức tạm ngừng xuất khẩu xe sang Việt Nam từ đầu năm nay. Một số thành viên đã phải quyết định hủy các đơn đặt hàng ô tô nhập khẩu.
VAMA đề nghị Chính phủ chấp thuận cho nhà nhập khẩu thêm lựa chọn, làm thủ tục kiểm tra thử nghiệm bởi Cục Đăng kiểm Việt Nam thay vì chỉ chấp nhận giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài cấp.
Trước đó, tổng cục Hải quan, trong năm 2017, Việt Nam nhập khẩu hơn 97.200 ô tô nguyên chiếc các loại với giá trị hơn 2,2 tỉ USD. Lượng xe nhập khẩu trong năm 2017 giảm 13,6% về giá trị và 6% về lượng so với năm 2016.
Năm 2017, Thái Lan là quốc gia có lượng xe nhập khẩu về Việt Nam nhiều nhất với khoảng 38.250 xe. Xếp thứ hai là Indonesia với hơn 16.800 xe.