Theo đó, ngày 16/12/2019, Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh đã ra Quyết định số 3116/QĐ-CCXP về việc cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục đối với Công ty Cổ phần xây dựng và kinh doanh nhà Đại Phúc ( công ty Đại Phúc), có trụ sở chính tại: Số 617-621 Điện Biên Phủ, phường 25, quận Bình Thạnh (TP Hồ Chí Minh).
Quyết định buộc cưỡng chế thực hiện biện pháp khắc phục đối với công ty Đại Phúc. |
Cụ thể, Thanh tra Sở Xây dựng TP buộc công ty Đại Phúc phải tháo dỡ công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng. Cụ thể: Xây dựng trạm xử lý nước thải tại Dự án khu dân cư Lô số 8-khu 9A+B, khu chức năng số 9, khu đô thị mới Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh không có giấy phép xây dựng, diện tích: 52,6m x 10,1m = 531,26m2. Kết cấu: móng bê tông cốt thép. Hiện trạng: Đang thi công
Đồng thời, Thanh tra Sở Xây dựng TP cũng quy định rõ, mọi chi phí tổ chức thi hành biện pháp khắc phục hậu quả do công ty Đại Phúc chi trả cho cơ quan chức năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Khoản 5 Điều 85 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
Thời gian thực hiện là 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này. Nếu quá thời hạn mà công ty Đại Phúc không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng TP giao cho Đội Thanh tra xây dựng địa bàn huyện Bình Chánh – Thanh tra Sở Xây dựng phối hợp với UBND huyện Bình Chánh tổ chức thực hiện vào báo cáo kết quả thực hiện Quyết định này cho Chánh Thanh tra Sở Xây dựng.
Giao đội Thanh tra Hành chính – Thanh tra Sở Xây dựng giám sát, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành. Cuối cùng, Thanh tra Sở Xây dựng còn gửi UBND huyện Bình Chánh toàn bộ hồ sơ để tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm nói trên.
Thời gian thực hiện là 15 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này. Nếu quá thời hạn mà công ty Đại Phúc không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trụ sở công ty Đại Phúc trên đường Điện Biên Phủ. |
Tuy nhiên, tính từ ngày Thanh tra Sở Xây dựng TP ra Quyết định đến nay quá đã thời hạn quy định 15 ngày, công trình sai phạm vẫn tồn tại, ty Đại Phúc vẫn chưa nghiêm túc chấp hành theo đúng yêu cầu từ phía các cơ quan chức năng.
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, liên quan đến công trình trái phép nói trên, đại diện công ty Đại Phúc cho biết, ngay khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu dừng trạm xử lý nước thải là công ty Đại Phúc dừng ngay. Hiện tại, Ban pháp lý của Đại Phúc đang tiến hành thủ tục pháp lý theo yêu cầu của nhà nước.
“Đúng là Đại Phúc có phát triển một dự án ở bên Khu Nam hiện cư dân đã vào ở. Năm ngoái có triển khai một trạm xử lý nước thải nhỏ, chỉ mấy trăm mết vuông. Thực ra, đây không phải công trình thương mại, đây là công trình phục vụ cư dân, công trình này làm ra để đảm tính an toàn về mặt môi trường, phục vụ cư dân và cộng đồng. Thật ra doanh nghiệp đang bị thiệt hại. thiệt hại ở góc độ là mình bỏ chi phí ra, bây giờ dừng như vậy, doanh nghiệp thiệt hại về tiền bạc, người dân cũng thiệt hại vì mục đích công trình phục vụ cho cư dân, chưa kể môi trường cũng bị ảnh hưởng”, đại diện công ty Đại Phúc thanh minh.
Tuy nhiên, theo Luật sư Lê Ngô Trung – Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh, không cần biết mục đích công trình là gì? Đối tượng phục vụ là những ai? Miễn là công trình đầu tư cho xây dựng đều phải xin giấy phép xây dựng trước khi thực hiện, không thể nào vừa triển khai vừa chờ hoàn thành hồ sơ pháp lý.
“Dù chỉ là một bức tường rào cũng phải xin phép, những công trình dù lớn, dù nhỏ nếu không xin giấy phép xây dựng thì đều là công trình trái phép”, Luật sư Trung nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Trung, nếu Quyết định cưỡng chế của cơ quan chức năng ban hành đã có hiệu lực, thì mọi sự chậm trễ đều bị xem là chống lại Quyết định. Trong trường hợp, doanh nghiệp có giải trình, khiếu nại để trì hoãn quyết định cưỡng chế thì cũng có thời hạn nhất định.