Những hình ảnh kẹt xe kinh hoàng như vậy xảy ra thường xuyên tại cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất. |
Dày đặc dự án BĐS dọc hành lang giao thông Bắc - Nam
Ba quận, huyện phía Nam của TP Hồ Chí Minh gồm: Quận 7, huyện Nhà Bè và Cần Giờ, dân số thường trú hiện nay khoảng 700.000 người và tạm trú khoảng 600.000 người. Đây cũng là khu vực tập trung nhiều khu đô thị mới, các cơ sở kinh tế quan trọng của TP Hồ Chí Minh. Thời gian tới, với đà hoàn thiện của các khu đô thị mới, dân số khu vực này sẽ tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong khi đó, việc kết nối giữa khu Nam Sài Gòn với các khu vực khác, theo 2 trục giao thông Đông – Tây và Nam Bắc. Hiện nay cả 2 hành lang giao thông theo hướng Nam – Bắc đều trong tình trạng quá tải nghiêm trọng.
Chuyên gia cao cấp Nguyễn Trọng Hòa: Khu vực chưa đáp ứng hạ tầng, không nên cho xây cao ốc!
(Tieudung24h.vn) - Vấn đề cao ốc mọc lên tràn lan, hệ quả dẫn đến ùn tắc giao thông, gây bức xúc dư luận không phải là vấn đề mới của TP Hồ Chí Minh. Đi tìm lời giải cho vấn đề này, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Trọng Hòa, hiện là chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu Phát triển TP Hồ Chí Minh, nguyên là Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc... người gắn bó với ngành quy hoạch trong một thời gian dài. |
Một trong 2 hành lang giao thông theo trục Bắc - Nam nối liền khu trung tâm thành phố và khu Nam là tuyến Tôn Đức Thắng – Nguyễn Tất Thành – Huỳnh Tấn Phát. Trong hành lang giao thông Bắc – Nam, đường Nguyễn Tất Thành và Huỳnh Tấn Phát mới được mở rộng, nâng cấp hơn 10 năm trước nhưng hiện nay đã quá tải vì phải gánh lưu lượng giao thông lớn từ các cảng dọc sông Sài Gòn, các khu đô thị mới, các dự án BĐS trên địa bàn quận 4 và tỏa ra các khu vực. Vì vậy, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trong khi đường không thể mở rộng thêm mà lại tiếp tục cấp phép cho các dự án BĐS nằm 2 bên hành lang này, vô hình chung làm cho giao thông theo trục Bắc – Nam thêm tồi tệ.
Theo tìm hiểu của PV, trên hành lang giao thông Bắc – Nam Tôn Đức Thắng – Nguyễn Tất Thành – Huỳnh Tấn Phát, ngoài các cảng còn có Khu chế xuất Tân Thuận và cả vài chục dự án BĐS quy mô lớn, tọa lạc trên các tuyến đường xương cá như: Hoàng Quốc Việt, Phạm Hữu Lầu...thời gian qua, tiếp tục có một số dự án bất động sản quy mô “khủng” giá trị đầu tư tính bằng tỉ USD, đổ vào các khu đất nằm dọc theo hành lang này.
Dự án đầu tiên phải kể đến là Khu công viên Mũi Đèn Đỏ và nhà ở đô thị - Saigon Peninsula, 118 ha, giá trị 6 tỉ USD. Tiếp đến là Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. Dự án được xây dựng tại khu Cảng Nhà Rồng - Khánh Hội thuộc Phường 12, 13 và 18 của quận 4 với tổng diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha. Dự án đầu tư khu nhà cao tầng chức năng hỗn hợp, gồm trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ (3.116 căn), biệt thự (32 căn)… Cũng trên hành lang giao thông này, ngay điểm đầu, khu trung tâm TP là dự án Vinhomes Golden River với quy mô dân số trên 11.000 người. Ngoài ra, cũng trên hành lang giao thông này là hàng chục khách sạn thuộc vào loại to nhất ở Việt Nam, nằm trải dài theo đường Tôn Đức Thắng…
Hàng chục chung cư chen nhau mọc lên trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận 1 và Quận Bình Thạnh. |
Như vậy, chỉ tính riêng những dự án lớn nằm dọc theo hành lang giao thông Bắc – Nam Tôn Đức Thắng – Huỳnh Tấn Phát, đã có quy mô dân số khoảng gần 100.000 dân. Bởi vậy, trong vài năm qua, ngành giao thông TP Hồ Chí Minh mặc dù đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình hình giao thông của hành lang Bắc – Nam này, song, với đà gia tăng dân số một cách chóng vánh theo các dự án BĐS nên hệ thống hạ tầng giao thông khu vực này luôn rơi vào tình cảnh ''vỡ trận".
Ăn chén cà uống ba chén thuốc
Điểm ùn tắc đã trở thành nỗi ám ảnh của người tham gia giao thông TP Hồ Chí Minh, phải kể đến ngã tư Đường 3 Tháng 2 - Lý Thường Kiệt, thường xuyên ùn tắc bất giờ nào trong ngày. Đường Lý Thường Kiệt là trục giao thông Bắc – Nam, là trục giao thông chính nối các quận 5, quận 10, Tân Bình. Đường 3 Tháng 2 là một trong những tuyến giao thông theo trục Đông – Tây chạy xuyên suốt gần hết một nửa thành phố nối liền các quận 3, quận 10, quận 11… Đây là một trong những ngã tư có mật độ giao thông thuộc vào loại cao nhất của thành phố vì nằm ở ngay trung tâm của thành phố và trung tâm của 2 trục giao thông Bắc – Nam và Đông – Tây. Thế nhưng trong tương lai, ngã tư Đường 3 Tháng 2 – Lý Thường Kiệt sẽ còn ùn ứ nặng hơn nữa khi sắp tới sẽ có vài ngàn hộ dân sẽ dời về sinh sống trong tổ hợp cao ốc Xi Grand Court và chung cư Nguyễn Kim.
Tổ hợp cao ốc Xi Grand Court trên đường Lý Thường Kiệt, Quận 10 sắp hoàn thành với hàng nghìn căn hộ. |
Trong đó, chung cư Xi Grant Court được xây dựng trên khu đất trước đây là chợ dược phẩm quận 10, vốn không có người dân sinh sống ổn định tại địa chỉ này. Thế nhưng sắp tới đây, bỗng dưng trên khu đất rộng 17.940,5 m2 này sẽ có gần 1.000 hộ dân dọn về sinh sống. Theo thông tin mà chúng tôi có được, chủ đầu tư xây dựng trên khu đất 02 khối công trình: Khối 1 là khu căn hộ gồm Block A1 cao 29 tầng, Block B cao 29, Block A2 cao 29 tầng. Khối 2 là nhà phức hợp với Block C gồm các lại hình văn phòng và chung cư cho thuê với quy mô 25 tầng. Dự án có 2 tầng hầm với tổng diện tích sàn 33.544,30 m2 dùng làm chổ giữ xe; 6 tầng thương mại tại khối đế có diện tích hơn 45.000 m2. Khu căn hộ có tổng cộng 740 căn hộ, trong đó có 540 căn để bán và 200 căn office tell, Studio. Được biết, khu đất xây dựng chung cư Xi Grand Court là một trong 5 khu đất mà TP Hồ Chí Minh trả cho nhà đầu tư GS để đổi tuyến đường Tân Sơn Nhất – Bình Lợi – Vành đai ngoài.
Cũng trên con đường Lý Thương Kiệt, chỉ cách tổ hợp cao ốc Xi Grand Court khoảng 500m là khu chung cư Nguyễn Kim đang được xây dựng mới trên nền tảng của những lô chung cư cũ theo chủ trương cải tạo chung cư cũ của TP Hồ Chí Minh. Sau khu cải tạo xong, dân số trong khu chung mới này sẽ gần gấp đôi so với trước khi di dời. Gần 2 khu chung cư thuộc vào loại khủng này là khu đất trống trên đường Đào Duy Từ và trong tương lai không xa sẽ là một tổ hợp chung cư khác mọc lên.
Thực tế cho thấy, việc cấp phép ồ ạt cho các dự án BĐS nhảy vào các khu đất trống quanh khu vực sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang lộ dần những bất cập, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên. Để giải được bài toán ùn tắc giao thông quanh khu vực Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, dự tính cần phải có 530 triệu USD để ngành giao thông thực hiện 22 dự án. Theo một chuyên gia giao thông, việc cấp phép xây dựng các cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư trong thời gian vừa qua chả khác nào ăn chén cà uống ba chén thuốc. Ăn một chén cà thì bổ béo đâu chưa thấy nhưng đã phải uống thuốc để chữa bệnh. Việc cấp phép xây dựng các chung cư, cao ốc văn phòng vào các khu vực đã phát triển ổn định, sẽ dẫn đến căn bệnh ùn tắc giao thông. Để giải bài toán ùn tắc giao thông thì ngân sách phải chi ra số tiền tính bằng hàng ngàn tỉ đồng để khắc phục, thậm chí là không thể khắc phục. Thiết nghĩ đã đến lúc TP Hồ Chí Minh phải có những giải pháp siết lại việc cấp phép cho các dự án xây dựng cao ốc văn phòng, dự án bất động sản, đặc biệt là các dự án BĐS, dự án cao ốc văn phòng dọc theo các trục giao thông chính để tránh làm trầm trọng thêm tình trạng ùn tắc giao thông.
Chỉ tính riêng những dự án lớn nằm dọc theo hành lang giao thông Bắc – Nam Tôn Đức Thắng – Huỳnh Tấn Phát đã có quy mô dân số khoảng gần 100.000 dân. Trong vài năm qua, ngành giao thông đã nỗ lực rất nhiều để cải thiện tình hình giao thông của hành lang Bắc – Nam này, ngân sách thành phố cũng ưu tiên đầu tư vào hệ thống hạ tầng, tuy nhiên với đà gia tăng dân số một cách chóng vánh theo các dự án bất động sản thì có lẽ, không có hệ thống hạ tầng giao thông nào có thể đáp ứng được. … |