Theo VnExpress, nhiều tuyến đường như Võ Văn Ngân, Đặng Văn Bi, Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức), Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (quận 9), Quốc Hương (quận 2)… Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh) ngập nặng.
Mưa vào giờ tan tầm, nước lênh láng nên hàng trăm người bị chết máy xe, hoặc phải tắp vào ề chờ nước rút.
Gần giao lộ Tô Ngọc Vân – Phạm Văn Đồng khá trũng, nước dồn xuống khiến khu vực này ngập gần một mét. Các phương tiện dừng chờ hai bên đường không dám di chuyển. Những người cố gắng chạy xe qua đều bị ngập đến yên, chết máy lập tức, khó khăn lắm mới dắt xe được vào lề.
"Mới đầu mùa mưa mà ngập ghê quá. Biết xe chết máy, có thể bị ngã nhưng nhà có chuyện gấp phải về nên tôi ráng chạy. Ai dè không sao vượt nổi khúc sông này", vừa dẫn xe anh Thiên (ngụ quận 12) nói.
Xe máy cùng người ngã, trôi trong mưa trên đường Võ Văn Ngân. Ảnh: Duy Trần. |
Trên đường Võ Văn Ngân, nước chảy mạnh như thác, người đi đường chao đảo. Cô gái mặc áo mưa màu xanh không làm chủ được tay lái ngã xuống đường, cả người và xe bị nước cuốn trôi một đoạn. Người dân hai bên đường vội chạy ra hỗ trợ đưa nạn nhân và xe vỉa hè.
Bảo vệ dân phố được điều ra khu vực ngập nước để điều tiết, hướng dẫn người dân không đi vào nơi nguy hiểm. "Ở đây cứ mưa là ngập, có đoạn rất sâu. Từ đầu mùa mưa đến giờ có vài trận thôi, mà lần nào ngập cũng kinh khủng", ông Võ Văn Minh (81 tuổi) sống tại khu vực cho biết.
Nước ngập sâu, song nhà dân trên các tuyến đường này không bị ảnh hưởng nhiều do đã nâng nền lên cao.
Tại khu vực ngã tư Hàng Xanh (quận Bình Thạnh), mưa lớn khiến giao thông khó khăn, hàng nghìn xe ùn ứ dưới chân cầu vượt. Dòng xe nhích từng chút một về hướng Điện Biên Phủ và Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Với sự có mặt của 5 cảnh sát giao thông, đến hơn 20h, tình trạng kẹt xe cơ bản được giải quyết.
Kẹt xe ở quận Bình Thạnh. Ảnh: Thành Nguyễn. |
Tương tự, tại đường Nguyễn Xí, đến 20h15, nước vẫn ngập lênh láng khiến nhiều phương tiện ùn ứ, kéo dài hơn 500 m. Nhiều người phải cho xe lên vỉa hè hoặc đậu trước trạm xăng ven đường chờ ước rút.
Công trình chống ngập 10.000 tỷ "trễ hẹn", TP.HCM có nguy cơ ngập sâu Chủ đầu tư từng cam kết hoàn thành công trình trước 30/4 năm sau nhưng việc giải phóng mặt bằng hơn 400 hộ dân và 16 doanh nghiệp đang gặp khó khiến dự án có nguy cơ chậm tiến độ.
Theo ông Nguyễn Tâm Tiến - Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam (chủ đầu tư) - dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1 đã đạt gần 37% khối lượng thi công, dự kiến hoàn thành vào ngày 30/4 năm sau. Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng từ 402 hộ dân và 16 doanh nghiệp, tổ chức. Ông Tiến cho biết, khối lượng xây lắp còn lại (trên 60%) dễ thi công và tiến độ sắp tới nhanh hơn vì làm trên mặt nước. Đây là dự án có tác động rất lớn đến đời sống, dân sinh và được người dân thành phố chờ đợi. Trở ngại nhất là công tác giải phóng mặt bằng thi công bờ kè dọc hai bờ mang cống. "Chúng tôi không thực hiện dự án kiểu cuốn chiếu mà làm đồng loạt các hạng mục với quyết tâm cao. Nếu mặt bằng bàn giao chậm nhất là tháng 9, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành toàn bộ dự án vào dịp 30/4/2018", đại diện chủ đầu tư nói. Quá trình thi công, chủ đầu tư đã phối hợp với các lực lượng chức năng của thành phố điều tiết giao thông thủy, phân luồng cho tàu thuyền của người dân, đơn vị doanh nghiệp qua lại. "Riêng việc xử lý bùn nạo vét, do đa số bùn từ cửa sông đã được các cơ quan chuyên môn kiểm tra mức độ nguy hại không nhiều nên không phải qua xử lý. Do đó, số bùn đất sau khi lấy từ công trình đã được đưa về bãi tập kết ở xã Phước Kiểng, Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và xã Phong Phú (huyện Bình Chánh)", ông Tiến cho biết. Theo hợp đồng ký kết giữa UBND TP HCM và Tập đoàn Trung Nam hồi tháng 6/2016, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP HCM, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) với tổng kinh phí hơn 9.926 tỷ đồng sẽ hoàn thành sau 36 tháng thi công (6/2019). Tuy nhiên, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã yêu cầu rút ngắn thời gian thi công xuống còn 22 tháng để sớm giải quyết tình trạng ngập ngày càng nghiêm trọng tại thành phố. Chủ đầu tư và các sở ngành sau đó đều cam kết để dự án hoàn thành trước ngày 20/4/2018. Dự án nhằm kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Đồng thời, chủ động trong việc điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực. Để đảm bảo mục tiêu kiểm soát ngập do triều và chủ động điều tiết nước, dự án tập trung xây dựng các cống kiểm soát triều lớn và xây dựng tuyến đê dài. Bao gồm các hạng mục ở quận 1, 4, 7, 8 và hai huyện Nhà Bè, Bình Chánh với diện tích ảnh hưởng khoảng 100 ha. |