Hiện nay, TP có trên 70 trường đại học và cao đẳng trú đóng, với hàng trăm ngàn sinh viên theo học tại. Trong đó, đa phần các trường này đều nằm tại địa bàn trung tâm như: Đại học Nguyễn tất Thành (quận 4), Đại học Ngân hàng, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Cao đẳng Cao Thắng (quận 1), Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Đại học Mở TP Hồ Chí Minh (quận 3), Đại học Khoa học tự nhiên (quận 5)…
Theo đánh giá của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông đô thị, trong đó có việc tập trung nhiều trường đại học và cao đẳng trong nội đô. Nhưng nếu quy hết “trách nhiệm” cho các trường học là phiến diện. Thực tế, việc quy hoạch xây dựng, quản lý thiếu đồng bộ đã gây ra nhiều hệ lụy cho chiến lược phát triển đô thị, trong đó có vấn đề giao thông.
|
TP Hồ Chí Minh nói không với việc cấp phép cao ốc mới là cần thiết. |
Bởi vậy, TP đang thực hiện di dời các trường đại học và cao đẳng ra khỏi trung tâm TP (Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ 2006 – 2020, phải di dời hết các trường đại học, cao đẳng tại các quận trung tâm ra ngoại thành). Đồng thời, TP cũng chỉ đạo Sở Xây dựng không giải quyết cấp phép xây dựng cho những công trình cao ốc tập trung đông người trên các trục đường, khu vực chưa đầu tư hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt. Vì, nếu cấp phép cho các cao ốc, độ kết tụ dân số sẽ đông hơn, gây khó khăn thêm cho công tác chống ùn tắc giao thông của TP.
Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc phải xử lý nghiêm những trường hợp lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè, chợ tự phát, buôn bán, kinh doanh gây mất trật tự, mất mỹ quan đô thị, mất vệ sinh; các bãi giữ xe trên vỉa hè … gây khó khăn cho người đi bộ và làm ùn tắc giao thông. Nhưng, TP cũng “nhẹ tay” với các trường hợp không cấp bách như: Chiếm lề đường, vỉa hè không ảnh hưởng đến giao thông, không gây khó khăn cho người đi bộ, không gây phản cảm, không gây mất trật tự mỹ quan đô thị (bậc thềm tam cấp, mái hiên che nắng, bồn hoa, bảng hiệu…).
Tại Hội nghị sơ kết công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông vừa qua, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh - Nguyễn Thành Phong yêu cầu, Công an TP rà soát, tổng hợp hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện quy định của Trung ương và TP về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn.
TP giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) nghiên cứu, thực hiện thí điểm ngay phương án hạn chế lưu thông đối với các loại xe ô tô vận tải hàng hóa vào ban ngày tại một số tuyến đường, khu vực cụ thể nhằm kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông, trong đó có xem xét thực hiện tại khu vực trung tâm TP, sân bay Tân Sơn Nhất. Sở GTVT cần rà soát, thực hiện các giải pháp kỹ thuật về tổ chức giao thông, kết hợp với lực lượng chức năng tại các điểm “đen” kẹt xe, nhất là khu vực tập trung đông người như: Bệnh viện, trường học, chợ, trung tâm thương mại.
TP nhấn mạnh vai trò của các các quận, huyện địa phương. TP giao nhiệm vụ các quận, huyện phải quản lý trật tự lòng đường, vỉa hè một cách nghiêm túc; Có phương án tổ chức sắp xếp lại lòng đường, vỉa hè tại những nơi tập trung đông người. Chính quyền địa phương phải kiểm tra, xử lý trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc còn lơ là hoặc có biểu hiện tiêu cực trong công tác quản lý, để xảy ra tình trạng lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và mỹ quan đô thị.
Ngoài ra, TP cũng cần sự phối hợp đồng bộ của Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Giao thông vận tải , Công an TP, Sở Nội vụ và Sở Tài chính khẩn trương rà soát, đề xuất chính sách hỗ trợ lực lượng chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự lòng đường, vỉa hè…
Chống ùn tắc giao thông là nhiệm vụ cấp bách. Nhưng với đô thị lớn như TP thì không thể một sớm một chiều là có kết quả. Vì, quá trình tăng dân số đô thị của TP luôn ở mức cao, để đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mặt khác, quy hoạch đô thị bền vững là giải “bài toán” tổng hợp, có sự kết hợp của kinh tế - xã hội – môi trường.
Để hạn chế ùn tắc giao thông, trong khi việc di dời các trường đại học, cao đẳng, bệnh viện cần nhiều thời gian và kinh phí thì việc TP “đóng cửa” phòng cấp phép với các cao ốc là cần thiết và làm được ngay.