Trạm thu phí BOT Cai Lậy chiều 14/8, bị kẹt xe kéo dài cả km.
Nhiều ngày nay, tại trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), hàng chục tài xế đã dùng tiền lẻ mệnh giá 200 và 500 đồng vo tròn bỏ trong chai nhựa, bịch nylon để trả phí, nhằm phản đối trạm này.
Một số tài xế còn cho tiền vào dung dịch lỏng để tiền dính vào nhau, hoặc trả từng tờ tiền lẻ một, vừa làm vừa quay phim để tung lên mạng...
Trên nhiều diễn đàn, giới tài xế đã liên kết với nhau, đi theo hội nhóm để cùng vào trạm phí và cùng "câu giờ" để phản đối vì cho rằng trạm đã được đặt nhầm chỗ.
Các tài xế lên mạng xã hội hẹn nhau chuẩn bị tiền lẻ để cùng nhau về Cai Lậy phản đối trạm.
Giới tài xế phản ứng quyết liệt như vậy bởi nhà đầu tư làm tuyến tránh dài 12km nhưng lại đặt trạm phí trên quốc lộ 1A - con đường được làm hoàn toàn bằng tiền thuế của nhân dân.
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Phú Hiệp - Giám đốc BOT Tiền Giang - cho biết sẽ không có việc di dời trạm phí về đúng chỗ của nó. Thậm chí ông còn "dọa" tất cả các trường hợp trả tiền lẻ đều được camera ghi lại, báo cáo Công an tỉnh Tiền Giang làm cơ sở xử lý.
Theo tính toán của giới tài xế, với mức thu từ 35.000 - 180.000 đồng/xe, mức phí để qua trạm Cai Lậy đang... cao nhất Việt Nam!
Để thu phí, nhà đầu tư đã làm đoạn đường dài 12km chỉ với hai làn xe chạy, có cả xe cơ giới lẫn xe thô sơ; không có rào chắn an toàn, cũng không hề có dải phân cách...
Trong khi đó, cùng qua Tiền Giang, mặc dù đường cao tốc Trung Lương thu phí, quốc lộ 1 không thu phí nhưng xe cộ vẫn dồn lên cao tốc bởi vì đường Trung Lương dài 62km với 6 làn xe, xe con đi hết tuyến chỉ phải trả 40.000 đồng.
Nhiều tài xế để cọc tiền lẻ trả phí BOT Cai Lậy
Thử làm phép toán: Cao tốc Trung Lương 62km, có 6 làn, nếu quy ra một làn thì dài 372km, thu 40.000 đồng tương đương số tiền lái xe phải trả là 107 đồng/km. Còn đường tránh Cai Lậy dài 12km, 2 làn xe, quy ra một làn dài 24km, thu 35.000 đồng, như vậy mỗi km người dân phải trả 1.458 đồng, cao gấp 14 lần cao tốc Trung Lương.
Làm một phép tính khác, nếu ai có ô tô con mỗi ngày đi qua đây một chuyến (đi, về) phải nộp 70.000 đồng. Sau 7 năm 5 tháng (thời hạn trạm này thu phí) thì chủ xe phải tốn cho trạm này gần... 200 triệu đồng - bằng tiền một chiếc xe cũ còn chạy tốt. Đó là với xe con.
Còn với xe tải, mức phí còn lớn hơn nhiều. Xe 18 tấn chở hàng đi từ Cà Mau ra Hà Nội rồi quay về (1 chiều rỗng), mỗi tấn hàng cước phí nhà xe thu được là 2,5 triệu đồng. Tính trên đoạn đường BOT Cai Lậy dài 12 km nhà xe thu được 135.000 đồng tiền cước vận chuyển (chưa trừ chi phí) nhưng phải nộp tới 360.000 đồng tiền BOT (hai chiều). Như vậy là tiền đi đường cao gần gấp 3 doanh thu vận tải.
Nhưng vấn đề là các nhà xe không cần và không hề có nhu cầu đi qua đường tránh!
Cái lý lẽ "sửa chữa tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hết 300 tỷ" nên đặt trạm thu phí trên quốc lộ không hề thuyết phục. Bởi lẽ, trước khi có nhà đầu tư BOT Tiền Giang, quốc lộ 1 qua đoạn này vốn không có kẹt xe mà chỉ ùn ứ vào dịp lễ, Tết.
Thực tế thì, khi nhà đầu tư xuất hiện rồi chặn cầu, chặn đường để "dặm vá" thì mới xảy ra ùn ứ.
Giới tài xế vẫn đang đấu tranh quyết liệt để đưa trạm này về đúng chỗ của nó. Các nhà xe cho biết, nếu trạm vẫn nằm lộn chỗ, giá cước vận tải sẽ buộc phải tăng. Khoản thu hàng ngàn tỷ về túi nhà đầu tư sẽ đánh thẳng vào hạt thóc, con gà, con lợn... của nhân dân.