Thông tin về sổ hồng
Đầu tiên, bạn cần phải hỏi người bán xem đất này có sổ hay chưa. Ngoài ra, trên thị trường hiện đã xuất hiện tình trạng lừa đảo bằng giao dịch sổ hồng giả. Người mua nhà đất không nên chỉ xem giấy tờ qua loa hoặc qua ảnh chụp, mà cần cầm trên tay, sờ, cảm nhận bề mặt các giấy tờ này cũng như lưu ý số serie, mã vạch... để tránh gặp phải đồ giả. Trong trường hợp không có đủ kiến thức hoặc không tự tin trong vấn đề này, bạn nên nhờ một chuyên gia pháp lý đến để hỗ trợ.
Sau khi xác thực sổ hồng là thật, bạn nên xem tiếp các thông tin về sổ như sổ cấp năm nào, còn trang đăng bộ hay không? Trang đăng bộ nằm ở trang số 4, nếu hết trang thì sẽ phải đổi sổ. Nếu là sổ cũ (cụ thể là sổ đỏ/ sổ trắng) chưa có tọa độ thì bạn cần phải đi đo vẽ lại và tốn khá nhiều thời gian. Nếu sổ sắp hết trang, bạn cần lưu ý khi mua xong nên đổi sổ luôn để khi bán sẽ thuận tiện và nhanh hơn.
Ngoài ra, nếu sổ bị rách nên mức thiếu thông tin hay bị nhòe mực ở đâu, bạn cũng cần phải lưu ý vì nếu sổ bị như thế rủi ro không thể đi công chứng cao hoặc lúc làm thủ tục sang tên sẽ gặp trục trặc.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Thông tin về quy hoạch
Bạn cần tìm hiểu xem ngôi nhà, thửa đất bạn định mua có đang nằm trong quy hoạch hay dự án nào không? Hoặc xem xét tiềm năng về mặt quy hoạch của đất như thế nào?. Bạn nhìn hồ sơ, giấy tờ sổ hồng, thậm chí khi đã tra cứu ở Văn phòng công chứng (VPCC) thì bạn cũng không thể biết hết được thông tin là liệu nhà đất bạn đang định mua có nằm trong quy hoạch hoặc dự án nào hay không. Người bán nhà hoặc người môi giới có thể không cung cấp thông tin đầy đủ và trung thực cho bạn. Thậm chí nhiều trường hợp bản thân người bán cũng không biết được nhà, đất của mình nằm trong quy hoạch nữa (do quy hoạch treo từ cách đây quá lâu chẳng hạn).
Khi nhà, đất đã nằm trong quy hoạch thì về nguyên tắc chung là bạn sẽ không được chuyển nhượng, mua bán… và vì vậy thì đương nhiên bạn cũng không thể sang tên được. Nếu như bạn không có đầy đủ thông tin thì dễ xảy ra trường hợp làm hợp đồng công chứng, trả tiền xong rồi đến lúc đi làm thủ tục sang tên mới phát hiện không sang tên được. Vì vậy để tránh trường hợp mua phải đất dính quy hoạch, bạn nên tìm kiếm một bên chuyên gia hỗ trợ bạn kiểm tra quy hoạch.
Kiểm tra hiện trạng đất
Bên cạnh việc đánh giá nội dung giấy chứng nhận, việc thẩm định tại chỗ thửa đất cũng là điều nên làm khi mua đất.
Rất nhiều trường hợp giấy chứng nhận một đường nhưng thực tế người sử dụng lại ít hơn, có thể là do bị lấn chiếm, cũng có thể người chủ không để ý cứ sử dụng hết đời này sang đời khác. Cũng không ít trường hợp đất thực tế sử dụng nhiều hơn, khi mua đất không kiểm tra dẫn đến kiện tụng về sau.
Thông tin về tranh chấp
Đối với những vụ tranh chấp lớn, bạn sẽ dễ dàng nắm bắt thông tin bằng nhiều cách khác nhau như thăm hỏi địa phương, tìm kiếm thông tin trên internet, truyền hình, hoặc thậm chí thấy những thông tin tranh chấp đó trên cơ sở dữ liệu của VPCC.
Nhưng những tranh chấp nhỏ, tranh chấp “ngầm” thì rất khó thấy. Chẳng hạn, tranh chấp lối đi, hàng rào, đường thoát nước…với hàng xóm, hoặc có khi chỉ là “nhìn mặt thấy ghét”. Những loại tranh chấp này sẽ hơi khó tìm hiểu, cần chịu khó hỏi thông tin từ hàng xóm xung quanh căn nhà hay thửa đất bạn định mua. Ngoài ra, bạn cũng có thể hỏi UBND phường, xã nơi có đất thông tin về các tranh chấp này.
Thông tin vay nợ thế chấp
Nếu thửa đất có sổ đỏ đã được thế chấp ngân hàng thì nhận biết bằng cách xem ở bìa 4 (hoặc bìa 3) của sổ đỏ sẽ thấy thông tin thế chấp, hoặc đính kèm 1 tờ giấy riêng ghi thông tin thế chấp, giữa tờ này và sổ đỏ có đóng dấu giáp lai của cơ quan đăng ký đất đai. Trường hợp người bán muốn giấu thông tin thế chấp, họ sẽ gỡ tờ đó ra, khi quan sát sẽ thấy ở 1 góc, cạnh nào đó của sổ đỏ chỉ có 1 nửa dấu giáp lai, trường hợp này tuy hiếm nhưng không phải không có.
Ngoài ra, thông tin về thế chấp ngân hàng cũng có thể tra cứu được ở các VPCC thông qua bản photo sổ đỏ, thông thường việc tra cứu này là miễn phí. Tuy nhiên, những trường hợp có thể tra cứu là hình thức thế chấp qua ngân hàng, nếu thế chấp cho cá nhân hoặc các tổ chức cho vay “nóng”, vay “lãi cao” thì việc truy tìm nguồn gốc đất sẽ rất khó khăn.
Trên thực tế, việc dùng sổ đỏ thế chấp để vay nóng, vay lãi cao cho dù có hiệu lực hay vô hiệu cũng đều ảnh hưởng lớn đến việc mua và sử dụng nhà, đất. Đặc biệt là khi người bán không chỉ thế chấp ở một nơi mà có thể là nhiều nơi. Vì vậy, bạn cũng nên lưu ý điều này.