Vốn vào bất động sản tăng nóng
Thị trường chứng khoán Việt Nam bùng nổ trong 9 tháng cuối năm 2020 (với mức tăng gần 70%), giúp nhiều nhà đầu tư ít kinh nghiệm (nhà đầu tư F0) thắng lớn. Tuy nhiên, cho rằng chiến thắng trên thị trường chứng khoán mang tính thời điểm, không có ý nghĩa lâu dài, nhiều nhà đầu tư quyết định chốt lời từ cổ phiếu để “đổ tiền” sang mua nhà, đất.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, anh Nguyễn Văn Như (đường 3/2, phường 10, quận 10, TP Hồ Chí Minh) cho biết, chỉ mới chính thức đầu tư chứng khoán từ tháng 6/2020 nên không dám liều lĩnh với toàn bộ số tiền kiếm được. Hiện tại, anh Như chỉ để lại một phần, còn lại rút ra tìm kiếm kênh đầu tư khác ổn định hơn. “Cổ phiếu ở mỗi giai đoạn sẽ có một quy luật phát triển riêng. Ví dụ, thị trường tăng thì cổ phiếu vốn hoá lớn (Bluechip) hưởng lợi, còn khi thị trường giảm thì một số cổ phiếu vốn hóa nhỏ (Penny) hưởng lợi. Do đó, khi cảm thấy lợi nhuận từ chứng khoán đã đủ lớn, tôi quyết định chốt lời và dịch chuyển số tiền đó qua kênh đất nền để không phải lo lắng nhiều về việc giảm giá” - anh Như nói.
Chốt lời cổ phiếu, nhà đầu tư chứng khoán đổ tiền sang bất động sản. Ảnh: Tiểu Thúy
Thắng đậm từ chứng khoán, chị Nguyễn Thị Mai Hương (phường 9, quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) cũng chia sẻ, vừa mua một căn nhà với giá 11 tỷ đồng tại quận 8: “May mắn thắng lớn, tôi giữ lại phần vốn để tái đầu tư vào cổ phiếu khi có cơ hội. Còn lại toàn bộ tiền lãi thay vì gửi ngân hàng tôi đem đi mua nhà để an tâm, hiện tại căn nhà mới mua đang cho thuê và khi nào được giá tôi sẽ bán” - chị Hương nói.
Tương tự, anh Lê Xuân Cường (Nguyễn Đình Chiểu, quận 3, TP Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, chứng khoán là kênh đầu tư nhiều rủi ro bởi những con số biến động liên tục từng phút từng giây. Trong khi đó, bất động sản lại mang đến cảm giác chắc chắn hơn khi là một tài sản hữu hình, nhìn và chạm được. “Chứng khoán lao dốc, nhà đầu tư có thể mất trắng cả gốc lẫn lãi. Trong khi đó, bất động sản lại là kênh trú ẩn tương đối an toàn. Vì vậy, khi kiếm được chút tiền từ chứng khoán, tôi muốn bảo quản tốt số tiền của mình thông qua bất động sản” - anh Cường cho hay.
Giải thích thêm vào quan điểm này, anh Cường phân tích, đặc điểm trên thị trường chứng khoán là lên nhanh và xuống cũng nhanh. Năm 2020 và đầu năm 2021, thị trường đã tăng lên đến mức đỉnh kỷ lục. Vì thế, năm 2021, việc giữ ổn định được mức tăng từ cuối năm 2020 vẫn là thách thức: “Đầu tư chứng khoán là cuộc chiến dài hơi nên một trận thắng ở một thời điểm thuận lợi không có nhiều ý nghĩa. Quan trọng là sau chiến thắng nhà đầu tư còn lại gì và bài học rút ra là kiếm tiền không khó, giữ tiền mới khó!” - anh Cường nhấn mạnh.
Có dịch chuyển nhưng chưa tạo ra xu hướng?
Bàn về câu hỏi liệu có hay không xu hướng dịch chuyển dòng vốn từ lợi nhuận chứng khoán sang bất động sản, bà Bùi Trang - Giám đốc Bộ phận thị trường Việt Nam của JLL khẳng định, sự dịch chuyển này đang xảy ra và thực tế đây không phải lần đầu tiên tiền từ chứng khoán "chạy" sang bất động sản. Theo bà Trang, người Việt có tâm lý ăn chắc mặc bền, từ cú sốc bán tháo khi chứng khoán rớt mạnh hay thu được lợi nhuận nhiều, họ chắc chắn sẽ đặt lên bàn cân giữa cổ phiếu và nhà đất để cân nhắc kênh chọn mặt gửi vàng.
Đặc biệt, bà Trang đánh giá cao các nhà đầu tư cá nhân khi dịch chuyển dòng vốn từ lợi nhuận chứng khoán sang bất động sản. Vì khi không dồn tất cả trứng vào một giỏ, lúc thị trường khó khăn, nhà đầu tư có thể tháo chạy kịp. Cách đầu tư này không làm hạn chế tính thanh khoản và hợp lý là nó sẽ không tập trung rủi ro về một mối.
“Nhà đầu tư khôn ngoan bao giờ cũng phân tán danh mục đầu tư, đa dạng hóa các khối tài sản của mình ở nhiều loại hình, phân khúc, cũng như khu vực, vị trí khác nhau. Thực tế đã chứng minh, có khá nhiều nhà đầu tư “xuống tiền” vào lúc thị trường nóng sốt, gom hết tiền vào đất nhưng không thể rút ra khi thị trường đột ngột đi xuống. Tương tự, cũng có không ít trường hợp nhà đầu tư lao đao, khuynh gia bại sản vì dồn toàn bộ tiền vào chứng khoán” - bà Trang dẫn chứng.
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam
Trong khi đó, cũng thừa nhận rằng đang tồn tại một dòng tiền từ lợi nhận chứng khoán đổ sang bất động sản, song ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn Đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng Việt Nam lại cho rằng, ở thời điểm hiện tại, để tạo thành xu hướng dịch chuyển một dòng vốn lớn từ chứng khoán sang bất động sản không dễ. Nguyên nhân là bởi không phải nhà đầu tư chứng khoán xong cũng đủ vốn mua nhà đất do giá trị tài sản này thường rất lớn.
“Hiện tại, đa phần những nhà đầu tư rút lãi từ chứng khoán để mua bất động sản là nhà đầu tư F0. Có nghĩa là họ không có kinh nghiệm, không có kiến thức và cũng không có nhiều tiền. Vì vậy, dòng tiền từ chứng khoán đổ sang bất động sản nếu có cũng sẽ ít, không nhiều” - ông Khánh phân tích.
Cũng theo ông Khánh, xét ở góc độ nguồn vốn, đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ, có ít tiền thì nên đầu tư chứng khoán tốt hơn là đầu tư nhà đất. Nhưng nếu ít tiền mà vẫn muốn đầu tư nhà đất thì có thể lựa chọn những cổ phiếu bất động sản. Bởi vì những cổ phiếu bất động sản luôn luôn trả trước đất và tốc độ cũng nhanh hơn. Nhà đầu tư có thể kiếm được nhiều tiền, chưa kể có khả năng sử dụng được đòn bẩy tài chính tốt hơn đối với thị trường bất động sản.
Riêng với những nhà đầu tư có số tiền lớn hơn, vài tỷ đồng trở lên chẳng hạn, theo ông Khánh, có thể cân đối ở cả hai kênh là đầu tư có rủi ro và đầu tư an toàn. Trong đó, chứng khoán và bất động sản thuộc kênh có rủi ro, còn gửi tiết kiệm, tiền bảo hiểm hoặc là trái phiếu DN hoặc là trái phiếu Chính phủ… là kênh an toàn.
"Trong thời gian qua, giá bất động sản tăng cao rất nhanh, nhất là quý I/2021 có sự tăng đột biến, cũng có nguyên nhân là do các nhà đầu tư chứng khoán sau khi chốt lời chuyển một phần về bất động sản. Và ngược lại, khi thị trường bất động sản phát triển, thắng về bất động sản, nhà đầu tư cũng nhìn thấy cơ hội đầu tư chứng khoán và rút bên bất động sản để trở thành nhà đầu tư F0 bên thị trường chứng khoán. Hai thị trường này có tác động qua lại với nhau. Đây là mối quan hệ bắc cầu, phù hợp với xu hướng đầu tư trong bối cảnh hiện nay." - Chuyên gia Kinh tế - Tài chính Trần Khánh Quang |