Khó tiếp cận ưu đãi của ngân hàng
Anh N.V.Q. (ngụ TP Thuận An, Bình Dương) cho biết, năm 2020 anh vay Ngân hàng Thương mại CP Tiên Phong (TPBank) số tiền 2,2 tỷ đồng để mua căn hộ chung cư, lãi suất vay cố định trong năm đầu là 8%/năm, mỗi tháng trả góp cho ngân hàng 22 triệu đồng. “Năm đầu mọi thứ suôn sẻ nhưng sang năm 2021, dịch Covid-19 kéo dài khiến thu nhập của gia đình tôi bị sụt giảm đáng kể. Thêm vào đó, lãi suất tính theo biên độ thị trường (căn cứ theo Hợp đồng mua bán) tăng hơn 3% (tức là 11,8%), khiến số tiền trả góp hàng tháng trở thành gánh nặng quá lớn” – anh N.V.Q. nói.
Khách hàng tham khảo một dự án nhà ở tại Hà Nội (thời điểm chưa thực hiện giãn cách xã hội). Ảnh: Phạm Hùng
Không kham nổi, đầu tháng 7/2021, anh N.V.Q. làm đơn xin ngân hàng giảm lãi suất vay nhưng thủ tục còn dang dở thì Bình Dương đã thực hiện giãn cách xã hội.
Tương tự, anh T.G.N. (ngụ TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) mới đây cũng có đơn gửi Ngân hàng Sacombank xin giảm lãi vay mua nhà, song kết quả không được như mong đợi. “Sau nhiều thủ tục như chứng minh bị thiệt hại bởi dịch Covid-19, chứng minh giảm thu nhập…, tôi được ngân hàng cơ cấu giãn nợ thêm 6 tháng và giảm lãi suất nhưng không đáng kể” - anh T.G.N. chia sẻ.
Mua nhà để kinh doanh shop hoa tươi trên đường Hồ Văn Huê (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) chưa được bao lâu, cửa tiệm của chị N.T.M.H. phải ngừng hoạt động liên tục từ tháng 6 đến nay vì dịch bệnh hoành hành. “Thu nhập về 0 nhưng nợ gốc và lãi ngân hàng vẫn phải trả đều đặn hàng tháng. Hiện tại, số tiền tích luỹ đã sắp hết, nếu không sớm nhận được phương án hỗ trợ phù hợp từ ngân hàng, tôi buộc phải bán tài sản vì không thể cầm cự thêm nữa” - chị N.T.M.H. bày tỏ.
Cần gói tín dụng hỗ trợ
Trong bối cảnh hiện nay, chuyên gia bất động sản (BĐS) Nguyễn Văn Đực cho rằng, rất khó và gần như bất khả thi để chờ đợi ngân hàng cơ cấu cho tất cả các trường hợp khó khăn. May ra chỉ có các DN vừa và nhỏ, DN “sân sau” của ngân hàng mới được hỗ trợ. “Chỉ trong 4 năm (2008 – 2012), lãi suất ngân hàng tăng đột biến từ 8% lên 25% - 27%/năm, lúc đó DN BĐS lớn, nhỏ đồng loạt “chết” nhưng ngân hàng vẫn không giảm một đồng nào. Vì vậy, ngay lúc này, mong Nhà nước ban hành gói tín dụng có quy mô, hỗ trợ lãi suất ở mức 2 - 4%/năm cho các cá nhân, DN bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19” – ông Nguyễn Văn Đực kiến nghị.
Cũng với tinh thần ủng hộ giảm lãi vay cho người dân đang kiệt quệ tài chính, tuy nhiên, chuyên gia BĐS Phúc Lê không quên chỉ ra một vài điểm khó khách quan từ phía ngân hàng. Cụ thể, lợi nhuận của ngân hàng được làm ra từ việc cân đối hợp lý giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động. Do đó, sẽ rất khó để đòi hỏi ngân hàng đồng loạt giảm lãi vay khi mà lãi suất huy động không giảm. Thêm vào đó, gói hỗ trợ từ Chính phủ cũng có hạn, ngân hàng muốn cơ cấu nợ, giảm lãi vay cũng phải theo từng giai đoạn, và cho từng đối tượng cụ thể. Dịch Covid-19 bao phủ khắp cả nước, khó khăn mà người dân và DN phải đối diện là chuyện hiển nhiên.
Theo ông Phúc Lê, vấn đề còn lại phụ thuộc vào sự thiện chí từ phía ngân hàng. “Đây là cơ hội để các ngân hàng sẻ chia cùng khách hàng của mình. Tất nhiên, không thể chỉ hỗ trợ DN mà bỏ qua khách hàng cá nhân, nhất là những người vay để mua nhà” – ông Phúc Lê nói.