HoREA cho biết, một nghịch lý hiện nay của thị trường bất động sản tại TP Hồ Chí Minh là nguồn cung nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền (dưới 2 tỷ đồng/căn) và nhà ở xã hội dành cho người lao động có thu nhập thấp luôn trong tình trạng khan hiếm, trong khi các dự án bất động sản cao cấp như biệt thự nghỉ dưỡng, biệt thự biển… lại dư thừa.
Theo đó, về phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2011-2020 cả nước đạt 41% TP giai đoạn 2016-2020 xây dựng 15.000 căn nhà ở xã hội đạt 75% kế hoạch, nhưng kết quả này chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của xã hội.
Cụ thể, người dân chưa được vay ưu đãi nhà ở xã hội với lãi suất 4,8%/năm; dự án nhà ở xã hội cho thuê chưa được giảm 70% thuế suất Thuế giá trị gia tăng, Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo HoREA, cần thiết phải tăng nguồn cung nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp - Ảnh minh hoạ
Quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân lại rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại, như chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội “được điều chỉnh tăng mật độ xây dựng hoặc hệ số sử dụng đất lên tối đa 1,5 lần” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền không dám phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án nhà ở xã hội do lo ngại tăng dân số cục bộ, không phù hợp với quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt.
“Việc này tác động trực tiếp đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở của TP Hồ Chí Minh cho đa số người yếu thế trong xã hội là người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị. Đồng thời là dấu hiệu rõ rệt nhất của sự phát triển thị trường bất động sản không đồng đều, thiếu ổn định tại TP Hồ Chí Minh hiện nay. Do đó, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chỉ nên chiếm tỷ lệ nhỏ nhất” – HoREA nhận định.
Từ thực trạng nói trên, để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp, HoREA kiến nghị loạt giải pháp để tăng nguồn cung.
Thứ nhất đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện.
Thứ hai, đề nghị bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển “nhà ở giá phù hợp thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với mức ưu đãi về tiền sử dụng đất, thuế, tín dụng bằng khoảng phân nửa (1/2) mức ưu đãi dành cho nhà ở xã hội.
Thứ ba, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bố trí vốn ưu đãi nhà ở xã hội trong kế hoạch sử dụng vốn ngân sách nhà nước trung hạn giai đoạn 2021-2025 để có nguồn vốn mồi thực hiện chính sách nhà ở xã hội.
Thứ tư, đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.
Thứ năm, do ngân sách nhà nước có hạn nên chỉ tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê; Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hoá để doanh nghiệp tư nhân thực hiện.
Thứ sáu, đề nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội của doanh nghiệp tư nhân hiện đang rất rắc rối, nhiêu khê hơn thủ tục đầu tư dự án nhà ở thương mại để động viên doanh nghiệp tư nhân tham gia thực hiện dự án nhà ở xã hội. Các doanh nghiệp cũng nên được phép đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho thuê là phòng trọ, nhà trọ nhằm tăng nguồn cung cho thị trường và thêm nhiều sự lựa chọn cho người dân.
Mặt khác, HoREA cũng đề nghị TP cho phép chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại có thể được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong dự án hoặc hoán đổi 20% quỹ đất này bằng số lượng nhà ở xã hội, diện tích đất ở tương đương.