Bộ Tài chính đang có dự định đánh Thuế Tài sản mang tính trực thu, đánh vào những người có tài sản lớn, sở hữu nhiều. Chẳng hạn, với những người có 2 - 3 nhà thì nhà thứ hai sẽ bị đánh thuế. Trên thực tế, sắc thuế này đã được đề xuất từ hơn 5 năm trước, với tên gọi là Thuế Nhà ở, nằm trong Luật Thuế nhà đất, song tại thời điểm đó đề xuất này không được Quốc hội thông qua.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh: Đánh thuế vào bất động sản thứ 2 sẽ hạn chế tình trạng người giàu ôm quá nhiều nhà trong khi người nghèo không có nhà ở. |
Đánh thuế giúp giảm giá bất động sản
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết ông tán thành việc ban hành sắc thuế này của Bộ Tài chính. Theo ông Châu, hiện nay để điều tiết thị trường BĐS, Chính phủ phải sử dụng 4 nhóm công cụ như nhóm về thuế, nhóm về tín dụng, nhóm về quy hoạch, nhóm về chính sách....Trong đó công cụ đầu tiên và có hiệu quả rất lớn là nhóm công cụ về thuế.
"Sắc thuế đánh vào bất động sản thứ 2 sẽ có 3 tác động tích cực. Thứ nhất sẽ hạn chế nguy cơ đầu cơ trên thị trường BĐS, ngăn chặn nhà đầu tư thứ cấp trên thị trường BĐS. Lúc này, người nhiều không tích trữ nhà nữa còn dân đầu cơ thấy thuế phải nộp cao thì sẽ hạn chế đầu cơ. Đầu cơ giảm, giá bất động sản sẽ không bị đẩy lên cao, thị trường bớt đi một nguyên nhân gây ra bong bóng nhà đất", ông Châu nhấn mạnh.
Cũng theo ông Châu, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 sẽ định hướng những nhà đầu tư thứ cấp mua sỉ bán lẻ vào khuôn khổ đầu tư, phải thành lập doanh nghiệp. Từ đó, nhà nước dễ quản lý hoạt động mua bán này hơn. Điều này sẽ giúp thị trường ngày càng minh bạch hơn. Đây là một mục đích sâu xa mà sắc thuế này đem lại. Bên cạnh đó, một lợi ích của việc đánh thuế căn nhà thứ 2 sẽ tạo điều kiện cho người có nhu cầu thật có cơ hội tiếp cận nhiều hơn với các sản phẩm trên thị trường, tăng cơ hội mua nhà ổn định cuộc sống.
Đánh thuế với những người sở hữu bất động sản thứ 2 sẽ ảnh hưởng thế nào đến doanh nghiệp kinh doanh BĐS? Trả lời câu hỏi này ông Châu cho biết việc đánh thuế sẽ có tác động lớn đến các doanh nghiệp BĐS, đặc biệt là những doanh nghiệp BĐS có sản phẩm hướng tới giới đầu tư, đầu cơ.
Cụ thể, theo ông Châu khi đánh thuế vào bất động sản thứ 2 thì nhà đầu tư, đầu cơ sẽ giảm kéo theo đó giao dịch bất động sản cũng sẽ giảm theo. Từ đó, doanh thu của doanh nghiệp cũng đi xuống. Khi tình trạng này xảy ra buộc các doanh nghiệp phải định hướng lại sản phẩm, giá sản phẩm và chất lượng sản phẩm để có hướng đi phù hợp với thị trường.
"Như vậy, với mục đích chống đầu cơ ban đầu, việc đánh thuế sẽ làm được 2 điều rất tốt cho thị trường về lâu dài đó là giá nhà sẽ giảm và minh bạch hóa thị trường bất động sản, giúp thị trường phát triển minh bạch hơn. Hạn chế tình trạng người giàu ôm quá nhiều nhà trong khi người nghèo không có nhà ở", ông Châu cho biết.
Thế giới đã thực hiện lâu rồi, Việt Nam cần đẩy nhanh
Công cụ về thuế để điều chỉnh thị trường BĐS hiện đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Chẳng hạn như Trung Quốc, khi bong bóng trên thị trường BĐS diễn ra họ cũng dùng công cụ thuế này để điều tiết thị trường. Theo đó, người mua nhà thứ 2 sẽ bị đánh thuế suất 1,2% trên phần trị giá của nhà sau khi trừ 10%-30% trị giá ban đầu.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA). |
Tại Đài Loan, mức thuế lại phân chia đối với từng phân khúc bất động sản. Cụ thể, sẽ đánh thuế 1,2%-2,0% đối với nhà chung cư, khoảng 1,4% đối với nhà riêng (biệt thự); 3,0%-5,0% đối với nhà, công trình xây dựng cho mục đích thương mại.
Đối với Hàn Quốc, quốc gia này lại chọn mức thuế tịnh tiến đối với các dòng sản phẩm cao cấp. Cụ thể sẽ đánh thuế 0,15%-0,5% đối với nhà riêng; 0,25% đối với nhà chung cư; 4% đối với nhà trong khu sân golf, biệt thự, các khu vui chơi giải trí; 5% đối với nhà tại các khu đô thị lớn. Thuế tính trên bảng giá đất địa phương ban hành và bảng giá này thường xấp xỉ bằng 15%-20% giá thị trường.
Singapore là một trong những quốc gia đánh thuế suất cho bất động sản thứ 2 cao nhất, thuế tài sản phụ trội được áp rất cao trên bất động sản thứ hai, lên đến 7% trên giá mua nhà và 10% đối với bất động sản thứ ba, áp dụng từ năm 2013.
Còn tại Nhật, mức thuế sẽ nằm ở khoảng 1,4% nhưng không quá 2,1%. Giá nhà, đất được xác định phù hợp với giá thị trường. Ba năm điều chỉnh một lần.
Tại các nước châu Âu cũng đã áp dụng loại thuế suất cho BĐS. Cụ thể như tại Anh, quốc gia này vừa áp thuế tài sản phụ trội lên bất động sản thứ hai kể từ ngày 1/4/2016. Cụ thể, với những bất động sản thứ hai có giá trên 40.000 bảng, người mua phải đóng thêm 3% so với mức thuế thông thường. Nhà có giá trên 1,5 triệu bảng, mức thuế lên tới 15%.
Còn ở Mỹ, việc đánh thuế BĐS sẽ được giao về cho các tiểu bang, mỗi bang có thuế suất khác nhau. Ví dụ như ở bang California thì thuế suất là hơn 1,2%/năm giá trị bất động sản, bao gồm nhà và đất, còn ở bang Texas thuế suất là trên 4%. Thuế suất ở các bang tại Mỹ khác nhau là do giá trị BĐS ở các bang khác nhau.
Ở Việt Nam, ông Châu cho biết hiện nay chưa công bố con số cụ thể đánh thuế người sở hữu căn nhà thứ 2. Tuy nhiên, ông Châu cho biết nếu có thì cần phải đối chiếu với luật về thuế nhà đất mà Quốc hội đã đưa ra trước đây. Năm 2009 trong sắc thuế nhà đất, Quốc hội chỉ mới đưa ra thuế về sử dụng đất nên chỉ số điều tiết thị trường ở mức rất thấp khoảng 0,03%.
Do chênh lệch giữa bảng giá đất của nhà nước và giá thị trường còn cao nên mức thu thuế thời gian qua vẫn chưa có tác động mạnh đến việc điều tiết thị trường BĐS. Ví dụ ở TP.HCM, bảng giá nhà đất chỉ bằng 30% bảng giá thị trường, đất ở một số khu ở Quận 1 chỉ ở mức 162 triệu/m2. Thực tế giá đất trên thị trường giá đất tại quận 1 có những nơi lên đến cả tỷ đồng/m2. Như vậy, mức chênh lệch giữa bảng giá và mức giá thị trường là rất lớn, thuế chưa tác động mang tính điều chỉnh thị trường BĐS.
"Vì vậy, tôi cho rằng việc áp dụng đánh thuế vào căn nhà thứ 2 của Việt Nam cũng là cách làm tiệm cận với nhiều nước trên thế giới", ông Châu khẳng định.