Tại Hội thảo “Thị trường BĐS Việt Nam: Bước đột phá về tiêu chuẩn sống mới” được tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đã thảo luận về vấn đề bán nhà ở hình thành trong tương lai hay còn gọi là bán nhà trên giấy phải thông qua 2 cửa “tiền kiểm” thì mới được phép giao dịch mua bán.
Phải đáp ứng đủ điều kiện pháp lý
Theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam - trừ khi khách hàng quá “ngu ngơ” trong việc giao dịch bán nhà ở hình thành trong tương lai mà không đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì mới gặp rủi ro lớn.
Theo ông Nguyễn Trần Nam - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam - trừ khi khách hàng quá “ngu ngơ” trong việc giao dịch bán nhà ở hình thành trong tương lai mà không đầy đủ hồ sơ, chứng từ thì mới gặp rủi ro lớn. |
Trong khi các luật về nhà ở đang dần trở nên thông thoáng thì luật về bán nhà ở hình thành trong tương lai đang được siết chặt nhằm mục đích đảm bảo an toàn tài chính cho người dân lên trên hết. Do đó, để tránh tranh chấp, việc bán nhà ở trên giấy phải thông qua 2 cửa “tiền kiểm” trước rồi mới được mua bán.
Cửa thứ nhất, trước khi sắp sửa bán nhà ở hình thành trong tương lai, chủ đầu tư (CĐT) đều phải xin phép sở xây dựng địa phương. Cụ thể, CĐT phải trình ra quyền sử dụng đất, xây dựng quy hoạch của chính quyền, giấy phép xây dựng, những văn bản chứng minh đã hoàn thành móng, nền, hạ tầng, các giấy phép về an ninh, cứu hỏa, độ cao trên không… để tránh tình trạng nhà chưa đủ điều kiện nhưng đã bán cho người dân. Dẫn đến tình trạng người dân mua nhà xong, vào ở rồi nhưng vẫn không được cấp sổ đỏ.
Tại thời điểm năm 2014, Hà Nội có 120.000 căn hộ nhà chung cư đã được bán nhưng chỉ 40.000 căn được cấp sổ đỏ, 80.000 căn không đủ điều kiện. Lý do là vì CĐT đã không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu pháp lý trước khi bán nhà.
Phải có bảo lãnh của ngân hàng
Cũng theo nguyên Thứ trưởng, cửa “tiền kiểm” thứ hai là, nếu CĐT muốn bán nhà ở hình thành trong tương lai thì phải có bảo lãnh của ngân hàng (NH) để tránh trường hợp CĐT mất khả năng thanh toán, mất khả năng hoàn thành dự án, chậm tiến độ, không đủ vốn để xây dựng thì NH sẽ đứng ra chịu trách nhiệm hoàn trả tiền cho người mua nhà. “Do đó, hình thức mua nhà ở hình thành trong tương lai sẽ là hình thức rất an toàn với người mua, đồng thời, điều này cũng có lợi cho CĐT” - ông Nam nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, vấn đề phí bảo lãnh dự án cao sẽ “đổ” vào đầu CĐT hay “đổ” vào người mua nhà cũng là vấn đề gây nhiều trăn trở. Thực tế, ở Việt Nam cũng như ở Indonesia, Hàn Quốc và một số nước khác, phí bảo lãnh rơi vào khoảng 0,2-0,3%. Đây là một con số không đáng kể, khách hàng sẽ bỏ ra một khoản tiền rất nhỏ để mua một dịch vụ đảm bảo sự an toàn cho một tài sản rất lớn.
Bằng hình thức bảo lãnh của NH ở trong giai đoạn cung đang lớn hơn cầu thông qua kênh NH được xem là “phin lọc” để sàng lọc những dự án mang tính rủi ro cao. Ông Nam khẳng định, sắp tới sẽ không có những vụ tranh chấp bán nhà ở hình thành trong tương lai.