Trước tình trạng trên, UBND tỉnh Bình Thuận đã thành lập Đoàn liên ngành (gọi tắt là Tổ 2241) để kiểm tra, xử lý sai phạm của thương lái người Trung Quốc núp bóng kinh doanh trái phép trái Thanh long.
Trước đó, qua kiểm tra tại 10 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, đóng gói, vận chuyển để xuất khẩu trái Thanh long trên địa bàn huyện Hàm Thuận Nam. Tổ 2241 đã phát hiện tại các cơ sở này có sự hiện diện của người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc đang hoạt động trong lĩnh vực thu mua, đóng gói, xuất khẩu trái Thanh long. Đối với các đối tượng thương nhân người Trung Quốc, qua kiểm tra hộ chiếu, thị thực nhập cảnh, mục đích nhập cảnh vào Việt Nam, có 17 lao động người nước ngoài bị xử phạt vi phạm hành chính.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2016, lực lượng chức năng tỉnh Bình Thuận đã xử phạt 410 triệu đồng/17 đối tượng với hành vi nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam nhưng không được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Xử phạt 50 triệu đồng, đối với 2 đối tượng người Trung Quốc có hành vi kinh doanh trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, tịch thu 12 tấn Thanh long đã đóng gói.
Sau khi có quyết định xử phạt hành chính, Công an tỉnh Bình Thuận còn áp dụng hình thức rút ngắn thời gian lưu trú tại Việt Nam đối với nhiều người nước ngoài đến địa bàn kinh doanh trái phép. Đồng thời kiến nghị Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) cấm nhập cảnh có thời hạn đối với các trường hợp đã bị xử phạt nhưng vẫn tái phạm.
Ảnh: Doanhnghiepvn |
Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh Bình Thuận xuất hơn 4.100 tấn thanh long, kim ngạch thu về hơn 3 triệu USD. Trong số 53 doanh nghiệp đang kinh doanh thanh long, có đến 45 DN cùng với 195 cơ sở là buôn bán thanh long với thương nhân Trung Quốc. Điều này không thể phủ nhận thị trường Trung Quốc vẫn là tiềm năng số 1.
Cuối tháng 4/2016, Công an tỉnh Bình Thuận và các sở ngành liên quan mở hẳn một hội nghị phổ biến các kiến thức kinh doanh mua bán thanh long giữa Việt Nam và thương nhân Trung Quốc cho các hội viên của Hiệp hội thanh long Bình Thuận; trên 30 doanh nghiệp chuyên buôn bán thanh long với Trung Quốc và 11 thương nhân Trung Quốc đang làm ăn tại Bình Thuận.
“Chúng tôi đã đề nghị các thương nhân Trung Quốc có thể liên doanh đầu tư với doanh nghiệp của tỉnh hoặc đăng ký thành lập doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài để kinh doanh. Các doanh nghiệp của tỉnh cần chủ động thỏa thuận với thương nhân Trung Quốc để cùng hợp tác kinh doanh theo quy định pháp luật Việt Nam. Không tạo điều kiện cho thương lái nước ngoài “núp bóng”, trực tiếp tổ chức thu mua khi chưa có giấy phép theo quy định của pháp luật”, một cán bộ Sở Công thương Bình Thuận tham gia hội nghị nói.
Theo ông Ngô Minh Hùng (Phó giám đốc Sở Công Thương Bình Thuận), muốn khẳng định chính xác và lập biên bản xử lý tình trạng vi phạm trong kinh doanh thanh long, đoàn kiểm tra liên ngành phải giao cho công an đi trinh sát trước. “Chứ không khi đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Bình Thuận đến vựa thanh long kiểm tra. Ngay lập tức những người Trung Quốc nhanh chóng bước ra khỏi vựa thanh long, giả vờ đứng xem hoặc ngồi ngoài uống nước. Đoàn kiểm tra không có chứng cứ, nên không thể khẳng định cơ sở thanh long đó có sự hiện diện của thương nhân nước bạn, còn chủ cơ sở của ta cứ chối leo lẻo”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, từ tháng 5/2016 đến nay có 28 DN trong tỉnh có sự hiện diện của thương nhân Trung Quốc lưu trú, với số lượng cụ thể là 28 người. Họ cư trú đều với mục đích để thu mua thanh long (cơ quan chức năng của Bình Thuận có danh sách từng người). Để kiểm tra, xử lý việc kinh doanh không đúng pháp luật, núp bóng, ông Hùng đề nghị phải thành lập các đội kiểm tra liên ngành ngay từ huyện, mới kiểm soát chặt được tình trạng trên.