Nguy cơ phá sản…
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện các doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều ở các nước, nhưng ở trong nước lại đối mặt với lượng tôn thép “khủng” kém chất lượng, giá rẻ được nhập ồ ạt từ Trung Quốc.
Sản lượng sản xuất tôn mạ (tôn phủ màu, thép mạ) của Việt Nam hiện tại khoảng gần 1,9 triệu tấn, trong khi đó tiêu thụ nội địa chỉ gần 740.000 tấn, lượng dành cho xuất khẩu rất ít. Lượng tôn sản xuất đã dư thừa cả triệu tấn, đây là lượng tôn mạ dư thừa lớn nhất trong nước từ trước tới nay.
Trong khi đó, sản lượng nhập khẩu tôn phủ màu và thép mạ từ Trung Quốc lại có sự gia tăng ồ ạt trong thời gian qua.
Cụ thể, sản lượng nhập khẩu tôn phủ màu trong 5 tháng đầu năm 2016 là gần 310.000 tấn, tăng 186% so với cùng kỳ năm 2015; còn lượng thép mạ (tôn mạ lạnh, tôn mạ kẽm và thép dày mạ kẽm) nhập từ Trung Quốc trong thời gian trên hơn 910.000 tấn, tăng 195% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thế nhưng, sản phẩm tôn phủ màu và thép mạ của Trung Quốc được nhập về Việt Nam có chất lượng rất thấp, thường gian dối cả về độ dày của tôn, lớp mạ.
Sản xuất tôn màu ở Công ty cổ phần Thương mại & Sản xuất tôn Tân Phước Khanh |
Theo bà Nguyễn Thị Tuyết – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thương mại & Sản xuất tôn Tân Phước Khanh, bằng mắt thường, người tiêu dùng gần như “bó tay” trước chất lượng của tôn thép mạ và tôn phủ màu, phải có thiết bị chuyên dụng mới xác định được chất lượng và độ dày của tôn. Đây chính là cơ hội của những hành vi gian lận, trục lợi người tiêu dùng, bị “móc túi” trắng trợn mà không hay biết.
“Thí dụ, nếu tôn in độ dày “4 dem” (0,4 mm) nhưng thực tế đo chỉ được “3 dem”, có nghĩa cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bớt xén 25% độ dày, đánh lừa người tiêu dùng, kiếm lời bất chính. Độ dày lớp mạ cũng bị gian lận, lượng mạ không đủ so với công bố của nhà sản xuất. Thí dụ, loại tôn AZ 70, có nghĩa với mỗi m2 tôn, nhà sản xuất phải mạ đủ 70g hợp kim nhôm kẽm, song tôn kém chất lượng chỉ mạ khoảng 40 - 50 g, ảnh hưởng lớn tới tuổi thọ của tôn. Còn tôn kém chất lượng là các thông số kỹ thuật như độ dày sơn, chất lượng mạ, chất lượng sơn,… không bảo đảm”, bà Tuyết phân tích.
Cũng theo bà Tuyết, tôn mạ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam bán giá thấp hơn khoảng 30 % so với giá bán tôn mạ do Việt Nam sản xuất. Khoảng chênh lệch này là rất lớn nên sản phẩm tôn mạ Việt Nam hiện tại không thể cạnh tranh nổi với tôn mạ giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Khiến nguy cơ phá sản của các doanh nghiệp ngành tôn trong nước là rất cao!
…Vì đâu nên nỗi!
Trước thực trạng tôn mạ nhập khẩu ồ ạt từ Trung Quốc vào Việt Nam, gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng, một số doanh nghiệp tôn thép trong nước đã khởi kiện yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngày 6/7, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ. Theo đó, hàng hóa thuộc đối tượng điều tra là thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ hợp kim nhôm/kẽm được phủ sơn (tôn lạnh màu); thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội, tráng hoặc mạ kẽm được phủ sơn (tôn kẽm màu); Thép hợp kim hoặc không hợp kim cán nguội được phủ sơn (tôn đen màu) ở dạng cuộn, tấm băng hoặc cán sóng. Các loại trên ứng với mã HS: 7210.7010, 7210.7090, 7212.4010, 7212.4020, 7212.4090, 7225.9990, 7226.9919, 7226.9999. Giai đoạn điều tra, được xác định thiệt hại là từ 1/1/2013 đến 31/12/2015. Thời gian điều tra không quá 6 tháng kể từ ngày có quyết định. |
Ông Nguyễn Văn Sưa - phó chủ tịch VSA cho biết, hiện ngành thép trong nước bị áp dụng khoảng 62 biện pháp phòng vệ thương mại từ khắp thế giới. Những vụ kiện này đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp thép Việt Nam trong thị trường xuất khẩu.
“Trong khi đó, Việt Nam chỉ có hai vụ kiện phòng vệ thương mại cho mặt hàng thép đã áp thuế, vì thế hàng nhập khẩu, đặc biệt là từ Trung Quốc đang ồ ạt nhập khẩu vào Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ chính mình”, ông Sưa nói.
Tuy nhiên, theo tiết lộ của một giám đốc doanh nghiệp sản xuất tôn lớn khác ở phía Nam, hiện có hiện tượng một số doanh nghiệp sản xuất tôn trong nước, vì lợi nhuận đã qua bên Trung Quốc đặt hàng, họ chấp nhận mua sản phẩm chất lượng thấp rồi yêu cầu bên bán dập sẵn code mã hàng, ký hiệu sản phẩm, logo thương hiệu của mình, thậm chí họ còn giả các thương hiệu uy tín khác rồi nhập về Việt Nam bán với giá cạnh tranh.
“Khi họ đặt làm, độ dày, độ mạ và độ phủ sơn của sản phẩm đương nhiên sẽ thấp hơn tiêu chuẩn của các doanh nghiệp có uy tín nên giá sẽ rẻ hơn. Nhập về họ bán phá giá, gây thiệt hại cho ngành tôn trong nước”, vị này thông tin.
Cần có hàng rào kỹ thuật đủ mạnh
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thị Thu Thảo – Giám đốc Công ty Tư vấn Hiệp Quốc cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng thép Trung Quốc nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam là do quy định và hàng rào kỹ thuật ở Việt Nam còn lỏng lẻo cùng khâu kiểm soát, thực thi quy định chưa chặt.
Hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thép. “Chúng ta còn chấp nhận tiêu chuẩn cơ sở, tức tiêu chuẩn doanh nghiệp tự soạn và công bố. Vì vậy rất khó ngăn chặn thép, tôn kém chất lượng từ các nước tràn vào. Để hạn chế tình trạng này, cần ban hành Bộ tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam về chất lượng tôn thép, xây dựng, Quy chuẩn kỹ thuật về tôn mạ và sơn phủ màu. Thông qua bức tường hàng rào kỹ thuật bằng chất lượng, quy chuẩn và thuế quan để ngăn chặn các sản phẩm kém chất lượng, nhập nhèm về nguồn gốc tràn vào. Đồng thời, các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước phải cùng ý thức bảo vệ thị trường nội, giữ vững và phát triển chiếm lĩnh thị trường nội, tạo bàn đạp tiến vào thị trường quốc tế”, bà Thảo đề nghị.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Tuyết cũng cho rằng hiện doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm sắt thép sang các nước thì gặp hàng rào thương mại, hàng rào kỹ thuật vô cùng khắt khe của nước bạn. Trong khi đó, tại thị trường nội địa lại để hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái tràn vào với số lượng lớn dễ dàng, thoải mái.
“Việt Nam cần áp một tiêu chuẩn quốc gia, buộc các sản phẩm thép muốn được bán tại Việt Nam phải tuân thủ, hoặc trong trường hợp Việt Nam chưa ban hành ngay được tiêu chuẩn quốc gia thì có thể áp dụng tiêu chuẩn quốc tế hoặc khu vực để kiểm soát hàng nhập khẩu”, Tuyết đề xuất.
Quyết định điều tra áp thuế tự vệ tôn màu nhập khẩu từ Trung Quốc
(Tieudung24h.vn) - Theo hiệp hội Thép Việt Nam, hiện các doanh nghiệp ngành tôn thép trong nước đang gặp nhiều khó khăn, sản phẩm xuất khẩu bị kiện nhiều nhất, nhưng cũng vừa đối mặt với lượng tôn màu giá rẻ được nhập ồ ạt từ Trung Quốc. Vì vậy, Bộ Công Thương vừa có quyết định điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng tôn màu nhập khẩu… |