So sánh công dụng và dinh dưỡng giữa thanh long ruột trắng và ruột đỏ
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Cai Yiting, chuyên gia dinh dưỡng người Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, thanh long có hai loại phổ biến là thanh long ruột trắng và ruột đỏ. Về giá trị dinh dưỡng, cả hai loại thanh long đều giàu vitamin B2, B3, C, cellulose, glucose, khoáng chất như sắt, magie, kali…Trong đó, chất xơ và pectin trong thanh long giúp nhu động ruột, thúc đẩy đại tiện trơn tru.
Ngoài ra, thanh long ruột đỏ còn chứa một lượng đáng kể betalain, chất này có công dụng hạ huyết áp, có đặc tính chống oxy hóa, giúp giải nhiệt, cải thiện táo bón và nhiều công dụng khác nữa, nhưng những người có vấn đề về đường huyết phải chú ý đến số lượng khi ăn.
Trong khi đó, thanh long ruột trắng ăn có vị thơm ngon, dịu ngọt hơn; còn thanh long ruột đỏ ăn tương đối mềm và mọng nước hơn, độ ngọt nói chung cao hơn thanh long ruột trắng.
Chuyên gia Cai Yiting nói thêm rằng, thanh long ruột trắng thực sự có hàm lượng chất xơ cao hơn, trong khi thanh long ruột đỏ có hàm lượng sắt khoáng cao hơn.
Cả thanh long ruột đỏ và ruột trắng đều có những lợi ích riêng và rất bổ dưỡng của mỗi loại. Riêng thanh long đỏ, màu sắc của nó chủ yếu đến từ chất “betalain”.
Cách chọn thanh long tươi ngon
Thanh long thường được ăn ở dạng trái cây tươi, có mùi vị thơm dịu, ngọt vừa phải và ít calo, có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Để có được những trái thanh long ngon, mọi người khi chọn mua nên:
Dùng tay cảm nhận trọng lượng của nó, cầm lên tay thấy thanh long càng nặng thì càng nhiều nước và cùi thịt đầy đặn.
Nhìn bên ngoài vỏ thanh long có màu sắc đồng đều và tươi sáng bóng, “tai ngoe” của thanh long xanh tươi và dày cứng.
Không nên chọn những trái thanh long bên ngoài vỏ bị trầy xướt, dập nứt hoặc bị hư thối.
Tốt nhất nên chọn trái căng mọng, không có vết lõm, vỏ bên ngoài không bị thâm đen và không bị khô héo.
Những điều cần chú ý khi ăn thanh long:
Liều lượng khuyên dùng thanh long cho bệnh nhân tiểu đường là hai phần một ngày với mỗi phần khoảng 120gr.
Những người thường bị lạnh bụng, đại tiện phân lỏng, đầy bụng, thì không nên ăn thanh long.
Phụ nữ không nên ăn thanh long trong chu kỳ kinh nguyệt.
Thanh long chứa nhiều đạm thực vật, phụ nữ mang thai dễ bị dị ứng nên cân nhắc trước khi ăn.
Đối với thanh long ruột đỏ thì không nên ăn quá nhiều vì sẽ khiến cho phân và nước tiểu có màu đỏ sẫm.