Trong tháng 4/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 tiếp tục thực hiện kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra định kỳ được ban hành theo Quyết định số 1340/QĐ-CQLTT ngày 30/12/2022 của Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận với các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, thực phẩm, thuốc lá điếu, khí dầu mỏ hóa lỏng... Nhìn chung, phần lớn các tổ chức, cá nhân kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tuy nhiên vẫn còn một số cơ sở kinh doanh khí chưa chấp hành đúng các quy định trong kinh doanh theo tinh thần Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh khí.
(Kiểm tra thực tế tại cửa hàng kinh doanh LPG chai)
Từ ngày 06/4/2023 đến ngày 12/4/2023, Đội Quản lý thị trường số 4 đã tiến hành kiểm tra đối với 03 hộ kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG chai). Kết quả kiểm tra 02/03 hộ kinh doanh đã có hành vi vi phạm hành chính: lập sổ theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai nhưng không có đủ các thông tin về chai LPG theo quy định, quy định tại điểm e khoản 1 Điều 46 Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí (được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ), Đội đã ban hành Quyết định xử phạt với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước 7,5 triệu đồng.
Điều này cho thấy, việc thực hiện các điều kiện kinh doanh khí; điều kiện chai LPG, LPG chai, LPG chai mini lưu thông trên thị trường; việc thực hiện các quy định về kinh doanh khí...của các hộ kinh doanh có thực hiện nhưng việc “lập sổ theo dõi chai LPG đối với LPG chai bán tại cửa hàng bán lẻ LPG chai” vẫn còn hời hợt, chưa được chú trọng, mặc dù việc quy định lập sổ theo dõi chai LPG với mục đích bảo vệ các tổ chức, cá nhân, kiểm soát được số lượng chai, bình đang sở hữu, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, đảm bảo truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ ... khi có các vấn đề sự cố xảy ra.
Theo quy định của pháp luật tại Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh khí quy định như sau:
- Khoản 19 Điều 20 quy định: Quyền và nghĩa vụ của thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG/LNG/CNG “Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận LPG chai”.
- Khoản 5 Điều 22 quy định: Quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh mua bán khí “Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi LPG chai bán cho thương nhân kinh doanh LPG khác hoặc khách hàng sử dụng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, tên và địa chỉ thương nhân mua LPG chai, khách hàng sử dụng, ngày giao nhận LPG chai”.
- Khoản 9 Điều 23 quy định: Quyền và nghĩa vụ của thương nhân có trạm nạp LPG vào chai “Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý nạp LPG vào chai LPG tại trạm nạp. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về LPG chai: chủ sở hữu, loại chai, số lượng chai, số sê ri, hạn kiểm định trên chai, ngày nạp, ngày giao chai cho thương nhân thuê nạp”.
- Khoản 12 Điều 32 quy định Quyền và nghĩa vụ của cửa hàng bán lẻ LPG chai “Lập sổ hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin theo dõi chai LPG bán tại cửa hàng. Tại sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử phải có các thông tin sau về chai chứa: chủ sở hữu, loại chai, số sê ri chai, hạn kiểm định trên chai, nơi nhập chai chứa cho cửa hàng, ngày nhập, tên và địa chỉ khách hàng sử dụng, ngày giao chai cho khách hàng”.
(Một số thông tin trên chai LPG sử dụng để cập nhật sổ theo dõi)
Tuy nhiên, việc lập sổ theo dõi cũng có một số bất cập như việc nhìn bằng mắt số seri và hạn kiểm định đã gây nhầm lẫn do số seri bị mờ, không rõ ràng, rất khó đọc vì vỏ chai LPG luân chuyển nhiều bị trầy xước, lực lượng lao động tại một số cơ sở ít, nhưng việc nhập hàng lại có thêm công việc lập sổ theo dõi vỏ chai nên đã tốn rất nhiều thời gian, tăng người làm, ảnh hưởng tới chi phí, giao hàng chậm. Việc nhập sai do nhập nhiều và số seri không rõ khiến việc cập nhật trở nên mất tác dụng...
Trước những bất cập nêu trên, việc thực hiện đầy đủ các quy định về “Lập sổ theo dõi hoặc cơ sở dữ liệu điện tử ứng dụng công nghệ thông tin về LPG chai” vẫn còn là một vấn đề cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân, từ thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LPG/LNG/CNG, của thương nhân kinh doanh mua bán khí, thương nhân có trạm nạp LPG vào chai cho đến cửa hàng bán lẻ LPG chai...Chỉ cần một mắc xích ban đầu thực hiện đầy đủ, đúng quy định thì các cửa hàng bán lẻ LPG chai cũng sẽ thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định. Ví dụ khi thương nhân mua bán khí xuất bán LPG cho các cửa hàng bán lẻ LPG chai, chỉ cần kèm theo hóa đơn xuất bán là một bảng kê có đầy đủ các thông tin về LPG chai theo quy định thì các cửa hàng bán lẻ khi nhập hàng cũng sẽ dễ dàng trong việc đối chiếu số thực tế nhập vào, cũng sẽ dễ dàng trong việc cập nhật sổ theo dõi.
Thực tế, qua việc kiểm tra tại các cửa hàng bán lẻ LPG chai trên địa bàn do Đội quản lý, cho thấy việc cập nhật sổ theo dõi không phải là vấn đề riêng của các cửa hàng bán lẻ LPG chai, không phải là vấn đề khó thực hiện, nhưng vẫn cần đảm bảo tính khách quan, tính ổn định và đồng bộ để vận hành đúng theo quy định của Nghị định số 87/2018/NĐ-CP ngày 15/6/2018 của Chính phủ.
Trong thời gian đến, Đội Quản lý thị trường số 4 sẽ tăng cường công tác quản lý địa bàn, kết hợp kiểm tra kiểm soát và thông qua đó hướng dẫn, tuyên truyền các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện đúng và đầy đủ theo quy định của pháp luật.