Tác dụng phụ nguy hiểm của miếng dán say xe
Miếng dán dùng dán sau tai để chống say tàu xe là loại thuốc điều trị ngấm qua da, có tác dụng toàn thân, không khác gì thuốc uống. Miếng dán có chứa dược chất hyoscine hydrobromide. Khi dán lên da (vùng sau tai), thuốc sẽ thấm dần xuyên qua da để vào tĩnh mạch dưới da, vào máu với một lượng đủ có tác dụng chống co thắt, giảm sự kích thích đưa đến hóa giải buồn nôn và nôn do say tàu xe.
Mặc dù miếng dán chống say xe được xem là “người bạn đồng hành” với những người bị say xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, nó cũng tiềm ẩn một số nguy cơ nhất định đối với sức khỏe của người sử dụng.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: travelandleisure.com)
Do miếng dán được dán ngay sau tai nên thuốc ngấm vào tĩnh mạch não nhanh rồi tác dụng ngay lên các cơ quan của não. Cụ thể, tác dụng bất lợi của miếng dán chống say xe gây ra cho người sử dụng là: liệt đối giao cảm (do tác động đến hệ thần kinh), làm khô miệng, táo bón, nhức đầu, lơ mơ, ói mửa, rối loạn điều tiết mắt (làm mắt nhìn mờ, hoa mắt)...
Theo Nhóm chuyên gia tư vấn về thuốc Nhi khoa của Ủy ban An toàn thuốc Vương quốc Anh (PMEAG), đã có báo cáo về tác dụng phụ tăng thân nhiệt gây nguy hiểm. Đây là tác dụng phụ kháng cholinergic nghiêm trọng, trong đó có nguy cơ đột tử đặc biệt ở trẻ em khi sử dụng miếng dán say xe.
Hyoscin hydrobromid có thể đi qua hàng rào máu não, thuốc có cả tác dụng trên hệ thần kinh trung ương và ngoại vi, từ đó gây ra một loạt các tác dụng kháng cholinergic không mong muốn bao gồm: Tăng thân nhiệt, bí tiểu, khô miệng, rối loạn điều tiết mắt (mờ mắt), giãn đồng tử, kích ứng da, phát ban toàn thân, buồn ngủ, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, rối loạn chú ý, bồn chồn, mất phương hướng, nhầm lẫn, ảo giác, mê sảng, co giật, hôn mê và liệt hô hấp…
Sau khi gỡ bỏ miếng dán, hyoscin trong da tiếp tục đi vào máu. Do đó, các tác dụng không mong muốn này có thể tồn tại đến 24 giờ hoặc lâu hơn sau khi gỡ bỏ miếng dán. Trẻ em và người cao tuổi là những đối tượng dễ gặp tác dụng phụ hơn.
Những lưu ý khi sử dụng miếng dán chống say tàu xe
Để đạt hiệu quả cao trong sử dụng, bạn cần phải dán miếng chống say tàu xe lên vùng da khô ở sau tai từ 4 – 6 giờ trước khi lên xe. Vì như vậy thì các dược chất trong miếng dán mới có đủ thời gian ngấm vào da và máu. Tuyệt đối không được dán ở những nơi da nhạy cảm, bị trầy xước vì các dược chất sẽ thẩm thấu nhanh và có thể gây ngộ độc.
Nhiều người cho rằng dán càng nhiều thì hiệu quả chống say xe, buồn nôn càng cao nên cùng một lúc dán 2 – 3 miếng dán, hoặc vừa dán vừa uống thuốc. Đây là suy nghĩ sai lầm, phản khoa học thậm chí sẽ gây nên những phản ứng mạnh, sốc thuốc. Vì thuốc sẽ ngấm vào da với liều lượng nhiều, làm cho thần kinh trung ương và toàn thân bị chi phối, dễ dẫn đến hiện tượng tai biến.
Không sử dụng miếng dán cho phụ nữ có thai và trẻ em dưới 12 tuổi. Với trẻ em trên 12 tuổi và người già thì chỉ nên dùng nửa miếng dán. Ngay khi có dấu hiệu mờ mắt, mệt mỏi, mất kiểm soát thì cần phải tháo ngay miếng dán ra.
Bên cạnh đó, người sử dụng cũng cần phải tuân thủ theo đúng sự hướng dẫn về cách dùng được ghi trên bao bì về thời điểm dán, dán trong bao lâu, khoảng cách giữa hai lần dán… để hạn chế tối đa các tác dụng phụ có thể gặp phải.