Lựa chọn bể bơi đạt chất lượng
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Bạn có thể đánh giá chất lượng bể bơi bằng cách quan sát bằng mắt thường xem có rong rêu hay lá cây hay không. Bên cạnh đó, bạn nên chọn những hồ bơi không quá đông người và thường xuyên có nhân viên dọn dẹp sạch sẽ. Những yếu tố khác như nhà tắm tráng, phòng thay đồ gọn gàng, ngăn nắp cũng cần phải quan tâm.
Khởi động trước khi bơi
Không chỉ với hoạt động bơi lội mới cần khởi động. Khởi động là bắt buộc với tất cả các hoạt động thể dục, rèn luyện thể chất nhằm tránh chấn thương và các sự cố sức khỏe khi tập luyện. Thời gian khởi động tùy thuộc vào từng người, nơi chốn, thời tiết, nội dung tập luyện. Mùa đông cần khởi động kỹ, lâu hơn mùa hè. Khởi động đến mức thấy người nóng lên, mạch tăng hơn lúc yên tĩnh, các khớp tay chân linh hoạt, thân thể nhẹ nhàng, phấn chấn hơn là được.
Không nên bơi khi mới ăn xong hoặc đang đói
Vừa ăn xong, các cơ quan tiêu hóa phải làm việc: nhu động ruột tăng, các tuyến nội tiết phục vụ cho tiêu hóa đẩy mạnh, nhiều máu được chuyển về dạ dày, ruột. Nếu ăn xong mà tập bơi ngay, máu sẽ dồn về các cơ quan vận động, gây tình trạng thiếu máu ở cơ quan tiêu hóa. Ngoài ra, sau bữa ăn, dạ dày thường chứa đầy thức ăn, đẩy lên màng chắn ngăn với phổi nên hô hấp, vận động khó khăn. Mặt khác, bơi lúc này có sự co bóp của cơ bụng cộng với áp lực của nước vào thành ngoài bụng, ngực dễ gây đau, tức bụng, khó thở... thậm chí nôn mửa. Có trường hợp bị sức ép quá mạnh, gây trào ngược thức ăn vào khí quản, gây nguy hiểm.
Ngoài ra, nước lạnh kích thích có thể làm cho các mạch máu ở bụng và cơ trơn ở thành ruột co lại, làm trầm trọng thêm hiện tượng chuột rút.
Khi đói cũng không nên tập bơi, vì sự vận động của cơ, nhiệt độ nước thấp cùng sự hấp thu, truyền nhiệt của nước cao dễ làm người bơi mất nhiều nhiệt lượng, cơ thể không đủ nguồn đường để cung cấp cho hoạt động, dễ xảy ra tình trạng hạ đường huyết. Lúc đó người bơi có thể hoa mắt, váng đầu, thậm chí sốc. Tình trạng này mà xảy ra khi bơi chỗ nước sâu, xa bờ thì có thể gây nguy hiểm.
Chỉ nên bơi sau ăn 1-1,5 giờ. Không bơi khi đói. Nếu chưa kịp ăn trước đó, có thể uống tạm một cốc nước đường ấm, ăn vài miếng bánh ngọt. Trong quá trình bơi, nếu thấy đói, khát có thể lên bờ ăn, uống bổ sung nhẹ.
Chọn khung giờ bơi hợp lý
Vào mùa hè, rất nhiều người thích đi bơi, vùng vẫy dưới nước để giải nhiệt. Tuy nhiên, nhiệt độ càng cao thì sẽ rất dễ gây hại cho cơ thể. Các chuyên gia sức khỏe đã đưa ra lời khuyên rằng khung giờ tốt nhất để bạn đi bơi là vào buổi sáng từ 5h30-8h hoặc 6-9h. Buổi chiều vào khoảng từ 5h trở đi.
Nếu bạn đi bơi vào lúc nhiệt độ nóng nhất sẽ không tốt cho sức khỏe bởi sự chênh lệch nhiệt độ sẽ làm cho cơ thể bị cảm, các tia cực tím nhiều sẽ làm cháy da. Kể cả bạn đã bôi kem chống nắng kỹ càng cũng dễ bị bắt nắng do nước hồ bơi có nhiều chất tẩy rửa làm trôi lớp kem chống nắng.
Không đột ngột xuống nước
Bạn không nên đột ngột xuống bơi vì sự chênh lệch giữa nước trong bể bơi và nhiệt độ cơ thể sẽ gây hại cho thân nhiệt, tim mạch và sức khỏe của bạn.
Để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của bạn thích nghi với nhiệt độ của nước, hãy đi bộ chậm trong bể bơi trước khi bơi.
Uống nhiều nước
Cũng như các môn thể thao khác, khi bơi bạn cần lưu ý cũng cấp đủ lượng nước cho cơ thể trước, trong và sau khi bơi.
Trong mùa hè, cơ thể sẽ mất nước nhanh. Hơn nữa, khi cơ thể chúng ta ở dưới nước thì lượng nước tiêu hao sẽ nhiều hơn khi ở trên cạn. Do đó nếu bạn không bổ sung đủ nước, sẽ dẫn đến mệt mỏi, hoa mắt và gây ra nhiều hậu quả nguy hiểm.
Tắm gội sạch sẽ sau khi bơi
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet
Nước hồ bơi có thể sẽ làm cho da bạn bị khô, dị ứng, ảnh hưởng đến tóc, thậm chí gây ra các bệnh phụ khoa. Chưa kể đến những chất thải, vi khuẩn bám vào. Vì thế, bạn phải tắm gội sạch sẽ sau mỗi lần bơi để hạn chế các nguy cơ ảnh hưởng của nước đối với sức khỏe.