Đồ chơi Spinner đang là trào lưu gây sốt đối với trẻ nhỏ trên thế giới. |
Ủy ban Sản Phẩm An Toàn Hoa Kỳ - CPSC đang tiến hành kiểm tra loại đồ chơi phổ biến gần đây của trẻ em – Fidget Spinner, một loại con xoay 3 cạnh – sau khi xảy ra 2 vụ trẻ nhỏ nuốt phải các phần phụ tùng của món đồ chơi này.
“CPSC đang điều tra 2 vụ trẻ em nuốt phải Fidget Spinner tại Texas và Oregon,” CPSC cho biết. “Chúng tôi khuyên các phụ huynh nên giữ món đồ chơi này xa tầm tay trẻ nhỏ, vì trẻ nhỏ có thể nuốt phải các mảnh phụ tùng của đồ chơi và bị nghẹn. Phụ huynh cũng nên nhắc nhở các trẻ em lớn hơn không nên ngậm Fidget Spinner.”
Fidget Spinner được quảng cáo là một món đồ chơi có tác dụng giảm stress và giúp tăng tập trung. Tuy nhiên, ông Scott Kollins, chuyên gia tâm lý và giám đốc chương trình chữa trị ADHD (hội chứng tăng động giảm chú ý) của Đại học Duke, Mỹ nói rằng chưa có bằng chứng khoa học nào xác nhận các lợi ích của Fidget Spinner.
Cô Kelly Joniec ở Houston, Texas, đã đăng một bức ảnh X-ray lên Facebook, mà cô cho biết là ảnh chụp X-ray của con gái 10 tuổi của cô, sau khi cô bé nuốt phải phần trục quay của 1 chiếc Fidget Spinner và bị nghẹn. Cô bé được đưa vào bệnh viện nhi đồng Texas và đã phải cần đến phẫu thuật để lấy dị vật ra ngoài.
Trường hợp thứ 2, xảy ra tại Oregon, liên quan đến 1 bé trai 5 tuổi tên Caden. Người mẹ, Johely Morelos, kể rằng Caden đã phải vào bệnh viện, sau khi bị nghẹn vì nuốt một mảnh phụ tùng rơi ra từ Fidget Spinner.
CPSC đưa ra lời cảnh báo về đồ chơi Fidget Spinner có khả năng gây nguy hiểm tính mạng trẻ em. |
Fidget Spinner là món đồ chơi 3 cạnh, xoay quanh 1 trục tròn. Một hãng bán Fidget Spinner tại Mỹ nói rằng, hãng này đề nghị độ tuổi chơi Spinner là từ 12 tuổi trở lên. Hãng này cũng cho rằng, trục quay của Spinner sẽ không rơi ra, trừ khi khách hàng dùng dụng cụ để nạy trục quay. Tuy nhiên, trên thực tế, trục quay hoặc vòng trang trí của Spinner có thể bị rơi ra, trong trường hợp bị va đập mạnh.
Một số trường học tại Mỹ đã cấm Spinner, không chỉ vì chúng có thể gây nguy hiểm, mà còn vì các giáo viên cho rằng đồ chơi này đã làm học sinh phân tâm.
Tại thị trường Việt Nam đồ chơi Spinner bán tràn lan và được rất nhiều trẻ em yêu thích. Tại phố Lương Văn Can, Hoàn Kiếm Hà Nội, món đồ chơi này đa dạng và được bán với nhiều mức giá khác nhau. Từ 30.000 – 150.000 đồng/ sản phẩm, tùy loại.
Theo quan sát của PV Chất lượng Việt Nam, spinner được bán nhiều tại phố đồ chơi Lương Văn Can và các cửa hàng kinh doanh đồ chơi trên địa bàn Cầu Giấy, Hà Nội đa phần đều không rõ nguồn gốc nhập khẩu và không có nhãn mác bằng tiếng Việt.
Chị Vũ Thu Hải (P. Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội) cho biết, chiều lòng cậu con trai 5 tuổi chị cũng mua 1 Spinner cho con chơi, tuy nhiên đang trong tuổi hiếu động, ưa khám phá, cậu bé đã tự tay cậy món đồ chơi ra thành nhiều mảnh, rất may bé chưa ngậm hay nuốt phải miếng phụ tùng rơi ra từ món đồ chơi này.
Theo chị Hải, Spinner chị mua có chất liệu bằng thép, đựng trong chiếc hộp bằng kim loại bà không có bất kỳ một dòng chữ cảnh báo tuổi sử dụng cũng như thông tin về nguồn gốc của sản phẩm này.
Đồ chơi con quay Fidget Spinner được bán nhiều tại thị trường Việt Nam nhưng không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ. |
Chia sẻ trên diễn đàn mua bán đồ chơi công nghệ anh Nguyễn Văn Thụ ( Kiến Xương, Thái Bình) cũng cho biết, Spinner đang gây sốt tại thị trường Mỹ và Việt Nam cũng không ngoại lệ, tuy nhiên nên thận trọng cho trẻ dưới 8 tuổi chơi đồ chơi này.
“Spinner đòi hỏi kỹ năng khi chơi và tất nhiên dành cho những trẻ từ 8 tuổi trở lên để đảm bảo các bé có thể biết chơi và giữ an toàn cho mình”, anh Thụ cho biết.
Anh Thụ cũng đưa ra lời cảnh báo với các bậc cha mẹ, hiện Spinner đang là trào lưu được phổ biến rộng rãi, lũ trẻ ở mọi lứa tuổi đều có thể sở hữu, nhưng không phải chiếc nào cũng an toàn cho trẻ. Một số Spinner giá rẻ rất dễ bị bung vòng bi, nên các bà mẹ có con nhỏ dưới tám tuổi phải đặc biệt chú ý, vì rất có thể các bé sẽ vô tình nuốt phải một trong những chiếc vòng bi bị bung ra và mang tới những hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa có hiệu lực từ 1/6/2017: Với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Đặc biệt, các quy định về cảnh báo nêu trong các tiêu chuẩn tương ứng phải được thể hiện trên nhãn hàng hóa. Tổ chức, cá nhân nhập khẩu đồ chơi trẻ em phải thực hiện việc chứng nhận hợp quy và bảo đảm chất lượng đồ chơi trẻ em phù hợp với các yêu cầu quy định của Quy chuẩn QCVN 3: 2009/BKHCN. Tổ chức, cá nhân phân phối, bán lẻ chỉ được kinh doanh đồ chơi trẻ em bảo đảm chất lượng, có dấu hợp quy và nhãn phù hợp với các quy định hiện hành. |
Đồ chơi con quay Fidget Spinner được bán nhiều tại thị trường Việt Nam nhưng không có nhãn mác và nguồn gốc xuất xứ