Để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm cũng như các biến chứng nguy hiểm, bác sĩ khuyến cáo, mọi người cần chọn lựa thực phẩm an toàn, bảo quản thực phẩm đúng cách, giữ vệ sinh trong khi chế biến và ăn uống hợp vệ sinh bằng nguyên tắc ăn chín, uống sôi. Đặc biệt trong các chuyến du lịch, cần chọn những thực phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng, không ôi thiu, kém chất lượng; chọn các nhà hàng uy tín, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Kiến thức tiêu dùng tốt sẽ giúp chúng ta ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm khi tham gia các lễ hội, khu vui chơi, giải trí. Việc tiêu thụ thức ăn, nước uống, đặc biệt là nước đá không hợp vệ sinh, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là nguyên nhân gây nên ngộ độc. Tránh mua sử dụng các sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, không được che đậy hay bao gói hợp vệ sinh, sản phẩm có màu sắc lòe loẹt, dòn dai bất thường, sử dụng giấy báo, giấy có chữ viết, mực in để bao gói thực phẩm,… vì nguy cơ ngộ độc thực phẩm cấp tính, mãn tính trên nhóm thực phẩm này là rất cao, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.
Vào những ngày nắng nóng nên đưa các loại rau củ quả, thức uống giải nhiệt, món mặn dễ tiêu hóa vào thực đơn. Cụ thể, nhóm các loại quả có thể ăn hoặc chế biến thành nước ép như: dưa hấu, dâu tây, bưởi, cam, chanh, quýt, lê, thơm. Nhóm các loại rau củ cung cấp nước, vitamin, khoáng chất cần thiết, giúp hỗ trợ tiêu hóa, tránh táo bón như: cà chua, cải bó xôi, bông cải xanh, cần tây, rau diếp, cà rốt, bí ngòi, khổ qua, nha đam. Thực phẩm còn dư nên đun sôi lại và để trong tủ lạnh không quá 1 - 2 ngày, hạn chế ăn quà vặt, hàng rong không đảm bảo vệ sinh.
Việc sơ cứu khi bị ngộ độc thực phẩm là điều rất cần thiết để giúp giảm nguy cơ bệnh diễn biến nặng. Khi không may bị ngộ độc, điều đầu tiên là phải xác định ngay xem có nguy cơ cao rủi ro hay không biểu hiện qua triệu chứng rầm rộ, dai dẳng (đau liên tục không hết, không đỡ); mức độ đau, nôn, mệt mỏi, đi ngoài, biểu hiện thần kinh, đau ngực, lơ mơ, chếnh choáng; Hoặc ngộ độc thực phẩm xảy ra trên những người bệnh bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, người có thể trạng yếu, người có bệnh nền.
Khi bệnh nhân đau bụng, nôn, tiêu chảy cách xử lý tại nhà dễ nhất là bù nước bằng oresol, uống nước canh cho muối, nước gạo cho thêm muối, uống theo nhu cầu. Đồng thời, theo dõi nhiệt độ xem có sốt không. Trong trường hợp uống bù nước không đủ, uống xong lại nôn liên tục, cần đến ngay cơ sở y tế.
Đối với ngộ độc có nhiều người mắc, hoặc ngộ độc đơn lẻ nhưng nặng, có thể do yếu tố hóa chất, độc tố tự nhiên, cần báo cơ quan y tế dự phòng hoặc cơ quan an toàn thực phẩm địa phương để có phương án xử lý kịp thời.
Cùng đó, gia đình, người chứng kiến cần giữ lại các mẫu thực phẩm nghi ngờ nhiễm độc để các bác sĩ có thể chẩn đoán nguyên nhân ngộ độc, có cách xử trí kịp thời; Giữ lại chất nôn, chất thải để phục vụ nhu cầu kiểm nghiệm, xác định nguyên nhân gây ngộ độc.