Cảnh báo mãi…. vẫn xảy ra ngộ độc
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế nhận được thông tin về vụ nghi ngờ ngộ độc rượu xảy ra sau khi ăn và uống rượu tại quán bánh canh cá lóc Quảng Trị (địa chỉ: 882 hẻm 880 đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), trong đó, có 6 người ăn.
Sau khi ăn, 4 bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện (BV) Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cấp cứu trong tình trạng đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, nghi bị ngộ độc rượu. Trong đó, có một bệnh nhân bị nặng, ngưng tim, ngưng thở nhưng may mắn được bác sĩ hồi sức kịp thời nên qua cơn nguy kịch.
4 bệnh nhân được cấp cứu tại Bệnh viện Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nghi bị ngộ độc rượu.
Thông tin ban đầu, 4 người này mua rượu ở một quán tạp hóa tại phường 11 rồi mang đến uống tại một quán bánh canh cá lóc trên đường 30/4, phường 11, TP Vũng Tàu. Điểm bán rượu này cũng ở phường 11, không trực tiếp nấu rượu mà mua rượu ở địa phương khác trong tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu về bán lại.
Cũng tại địa phương này vừa xảy ra vụ ngộ độc do ăn bánh mì tại tiệm bánh mì - xôi Cô Ba Bến Đình, TP Vũng Tàu khiến 379 người nhập viện với các triệu trứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, chóng mặt. Kết quả xét nghiệm các mẫu thực phẩm gồm thịt lợn luộc, pate lợn, chả lụa, nước sốt thịt lợn và rau sống ăn kèm đều phát hiện có nhiễm vi khuẩn salmonella.
Tương tự, mới đây, tại Hà Nội đã xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau bữa tiệc trên địa bàn quận Long Biên khiến 14 trường hợp nhập viện cấp cứu, điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện (BV) Bạch Mai; 1 người điều trị tại BV Đa khoa Đức Giang; 2 ca tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Sau dự tiệc tại quận Long Biên, 14 trường hợp nhập viện cấp cứu, 2 ca tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Chiến - Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, 14 bệnh nhân có các biểu hiện mức độ ngộ độc khác nhau; rối loạn tiêu hoá: đau bụng, buồn nôn, nôn, đi ngoài; thần kinh: đau đầu, một số ca nói sảng, rối loạn ý thức; suy tuần hoàn; rối loạn toan chuyển hoá tăng cao lactat.
5 bệnh nhân có biểu hiện sốc nhiễm trùng nhiễm độc phải hồi sức tích cực, lọc máu, thậm chí đặt ống nội khí quản, thở máy. Trong đó 2 ca được chuyển tới Trung tâm Hồi sức tích cực, Trung tâm Cấp cứu để giảm tải; có 2 ca nhẹ, còn lại 7 ca đều trong tình trạng trung bình hoặc nặng.
Qua xét nghiệm cho thấy, tình trạng nổi bật của các bệnh nhân là hội chứng nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa tăng cao lactat, tổn thương cơ tim nhẹ kèm ức chế cơ tim, giãn mạch ngoại biên.
Trong 5 mẫu, có 4 mẫu phát hiện các type vi khuẩn E.coli gây bệnh khác nhau (E.coli gây viêm ruột - EPEC, E.sinh độc tố ruột - ETEC, E.coli gây ngưng kết ở ruột - EAEC) và vi khuẩn Campylobacter. Tuy nhiên, cả 14 bệnh nhân âm tính với methanol và ethanol trong máu.
Bệnh nhân ngộ độc nặng phải đặt nội khi quản, thở máy, lọc máu tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai.
Mặc dù các bệnh nhân có nhiều biểu hiện phù hợp với tình trạng nhiễm khuẩn nhưng một mặt cũng có các biểu hiện không loại trừ ngộ độc hóa chất hoặc chất độc gây độc chậm với tế bào (có thể tác dụng chậm hoặc vào cơ thể thì chuyển hóa gây độc chậm sau nhiều giờ).
14 bệnh nhân đã và đang được điều trị tích cực bằng các biện pháp cấp cứu, hồi sức, lọc máu, thở máy và kháng sinh phổ rộng kết hợp. Đến nay, 5 bệnh nhân nặng nhất đang trong tình trạng nguy kịch bắt đầu có dấu hiệu cải thiện, 9 bệnh nhân mức còn lại đã cải thiện tốt.
Tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát ATTP dịp cuối năm
TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, với các đặc điểm phức tạp, nặng nề, cấp tính của các ca bệnh, vụ việc, vẫn rất cần theo dõi sát, đánh giá tiếp, điều trị tích cực, có thêm thông tin mới có thể giúp các bệnh nhân hồi phục và đi tới kết luận cuối cùng.
Bác sĩ khuyến cáo, những người cùng tham gia bữa tiệc liên hoan, đặc biệt có uống rượu, nếu có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế chuyên sâu để kiểm tra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cùng đoàn kiểm tra liên ngành ATTP của TP kiểm tra siêu thị Tops Market Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân).
Trước tình hình trên, Cục ATTP đề nghị Sở Y tế Hà Nội khẩn trương chỉ đạo BV có bệnh nhân đang điều trị, tập trung nguồn lực tích cực điều trị cho các bệnh nhân ngộ độc không để ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng.
Cục ATTP đề nghị Hà Nội tổ chức điều tra xác định rõ nguyên nhân vụ nghi ngờ ngộ độc theo quy định, truy xuất đến tận cùng nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc, lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; phối hợp với các cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân tử vong.
Bên cạnh đó, Cục ATTP yêu cầu tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở nghi ngờ gây ngộ độc, điều tra việc thực hiện các quy định về ATTP của cơ sở, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về ATTP (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Đại diện lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin sự cố ATTP tại quận Long Biên, Chi cục thành lập 3 tổ phản ứng nhanh, phối hợp các đơn vị liên quan điều tra, giám sát.
Đoàn kiểm tra ATTP số 1 của TP Hà Nội kiểm tra tại một siêu thị trên địa bàn TP
Liên quan sự việc trên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà đã chỉ đạo giao Sở Y tế khẩn trương phối hợp với UBND quận Long Biên, Công an TP và các đơn vị liên quan điều tra xác minh, làm rõ nguyên nhân sự cố ATTP; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Đặc biệt, để bảo đảm, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân năm 2025, UBND TP yêu cầu cơ quan chức năng, đơn vị tăng cường thanh kiểm tra, kiểm soát ATTP trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng thực phẩm.
Trong quá trình kiểm tra, khi phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm, tuyệt đối không để các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm không bảo đảm ATTP, không rõ nguồn gốc tiếp tục hoạt động khi chưa khắc phục có hiệu quả.