Hàm lượng dinh dưỡng cao
Theo thống kê, hàm lượng dinh dưỡng trong rau mầm cao gấp 5 lần so với các loại rau khác. Cứ 50g rau mầm sẽ cung cấp cho cơ thể một lượng dinh dưỡng tương đương với 200g rau thường.
Hiện nay có rất nhiều loại rau mầm mà bạn có thể sử dụng như là rau mầm củ cải trắng, đậu tương, rau muống, vừng đen… Thông thường, loại rau giàu dinh dưỡng này hay được chế biến thành các món ăn hấp dẫn như xào, soup, lẩu, trộn salad hay ăn kèm với thịt và hải sản.
Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, rau mầm có chứa enzyme nhiều gấp 100 lần so với các loại rau quả tươi, tạo điều kiện cho quá trình chuyển hóa thức ăn và giúp cơ thể hấp thụ được nhiều vitamin, khoáng chất hơn.
Cụ thể, rau mầm củ cải trắng có hàm lượng vitamin A và C lần lượt cao gấp 4 và 29 lần so với sữa, hàm lượng canxi cao gấp 10 lần so với khoai tây. Không những vậy, những loại rau mầm này còn là một nguồn cung cấp dồi dào chất chlorophyl, carotene cũng như chất đạm dễ tiêu.
Nhìn chung, mỗi loại rau mầm sẽ có công dụng riêng với sức khỏe. Như đậu tương giảm huyết áp, rau mầm gạo lứt thúc đẩy lưu thông máu, rau mầm giá đỗ tốt cho răng miệng, chống lão hóa, rau mầm từ lạc giúp giảm cân…
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: Internet)
Có thể gây ngộ độc
Theo Tổ chức Y tế thế giới, rau mầm chính là nguyên nhân gây ra một số vụ ngộ độc thực phẩm ở Anh và Mỹ.
Hầu hết các loại rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm và đây chính là cơ hội cho các loại vi khuẩn phát triển. Nếu quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn thì rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. Rau mầm còn có thể bị nhiễm khuẩn, nhiễm bẩn do quá trình thu hoạch không bảo quản đúng cách.
Bên cạnh đó, còn có nguy cơ từ lượng phân bón thấm vào rau mầm khi người ta cố tình dùng nó để kéo dài ngày thu hoạch.
Ngoài ra, nguy cơ bị ngộ độc khi sử dụng rau mầm có thể đến từ chính đặc tính sinh học của hạt giống. Như trong mầm khoai tây có chứa chất độc solanine, mầm hạt đậu ván già có độc tố trypsin và sapo glucozite... Nếu ăn phải những chất độc này, bạn sẽ có nguy cơ ngộ độc với các triệu chứng điển hình như buồn nôn, tiêu chảy, chóng mặt, thở gấp… nặng hơn có thể tử vong.
Các loại rau mầm họ đậu giàu dưỡng chất, vitamin thúc đẩy quá trình phát triển và chống lão hóa nhưng một số đậu như đậu ván, đậu mèo, đậu kiếm, đậu trứng chim cũng có hàm lượng lớn glucozid sinh axit cyanhydric giống như trong măng và sắn nên ta không nên ăn rau mầm của những loại này.
Những cây măng mọc ở môi trường không có ánh sáng cũng có thể gây ngộ độc vì trong môi trường này độc tố của măng sẽ cao hơn nhiều.
Cách lựa chọn và sử dụng rau mầm an toàn
Để an toàn cho sức khỏe, khi mua rau mầm bạn nên chọn những loại rau có nguồn gốc rõ ràng, nên mua tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tuyệt đối không mua những loại rau mầm có màu sắc lạ, thân cây to, lá to bất thường hay đã ngả vàng, có nhiều rễ mới bóng.
Rau mầm mua về cần sử dụng ngay, nếu không dùng hết thì cho vào hộp nhựa hay túi nilon khô ráo và bảo quản ở mức nhiệt 4 – 5 độ C hay để trong ngăn mát tủ lạnh. Khi chế biến thì cần rửa nhiều lần với nước sạch, sau đó ngâm trong nước muối pha loãng khoảng 10 – 15 phút.
Tuy rau mầm rất tốt cho sức khỏe nhưng bạn cũng không nên ăn nhiều. Mỗi người chỉ nên ăn từ 50 – 60g rau mầm trong mỗi bữa và cần sử dụng xen kẽ với các thực phẩm, rau xanh trưởng thành khác.
Tốt nhất bạn nên nấu chín rau mầm, hạn chế ăn sống, vì các chất độc (nếu có) sẽ bị tiêu hủy hoặc làm giảm sút khi được nấu chín. Người già, trẻ em và những người có miễn dịch yếu thì không nên ăn sống rau mầm. Một số loại rau mầm đã được các nghiên cứu chứng minh là tốt cho sức khỏe mà bạn nên sử dụng như rau mầm củ cải trắng, rau mầm lạc, mầm đậu tương, súp lơ, rau muống…