Tổng doanh số bán xe điện của các hãng xe châu Âu trên toàn cầu trong tháng 7/2024 đạt 853.000 chiếc, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này làm dấy lên những hoài nghi về khả năng duy trì đà tăng trưởng của ngành sản xuất xe điện.
Càng đáng lo ngại hơn, các hãng xe hàng đầu lục địa già như: Stellantis, Volkswagen và Mercedes-Benz đang mất dần thị phần vào tay đối thủ, theo báo cáo của Bank of America.
Doanh số bán xe điện của các công ty châu Âu đồng loạt suy giảm. Ảnh: Euro
Ngân hàng này cho biết các nhà sản xuất ô tô châu Âu đang phải nỗ lực để theo kịp đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là trong phân khúc xe điện chạy bằng pin.
Thị phần của Stellantis giảm xuống chỉ còn 2,7% vào tháng 7, từ mức 3,6% trong quý 2/2023 và mức 4,0% của năm trước đó.
Thị phần của Tập đoàn Volkswagen giảm từ mức 7,5% trong quý 2/2023 xuống 6,6% hiện tại. Thậm chí, ông lớn Mercedes-Benz cũng đối mặt với tình trạng tương tự khi thị phần giảm từ mức 2,5% vào năm trước xuống còn 1,9% hiện tại.
Các nhà phân tích của Bank of America cho biết doanh số bán xe điện tại Đức suy giảm so với một năm trước do khoản trợ cấp của chính phủ dành cho loại xe này đã hết hạn vào tháng 9/2023.
Bất chấp thị trường xe điện toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, suy giảm doanh số bán xe điện của các nhà sản xuất ô tô châu Âu đặt ra những thách thức đối với mục tiêu chuyển đổi hoàn toàn sang xe điện của các quốc gia.
Trong khi các hãng xe điện châu Âu đang gặp khó khăn, BMW lại chứng kiến tình cảnh trái ngược khi thị phần xe điện đạt mức tăng trưởng ấn tượng.
Việc doanh số bán xe điện của BMW trong tháng 7/024 tăng 40% so với cùng kỳ năm ngoái giúp thị phần xe điện của hãng đạt 4,6% trên toàn cầu, tăng từ mức 3,7% trong quý 2/2023.
Các nhà phân tích cho biết: " Các mẫu xe i4 và iX1 vẫn bán rất chạy cũng như mẫu xe i5 mới ra mắt gần đây đang đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng hàng năm của BMW".
Không giống như nhiều đối thủ cạnh tranh, quyết định ưu tiên xe điện so với xe hybrid của BMW dường như đang mang lại hiệu quả.
Theo Ngân hàng Bank of America, một trong những lý do chính khiến xe điện ở châu Âu tăng trưởng chậm là tổng chi phí để sở hữu một chiếc xe này cao hơn so với xe động cơ đốt trong.
Mặc dù xe điện thường có chi phí vận hành thấp hơn, nhưng giá mua cao đã ảnh hưởng đến việc sử dụng rộng rãi.
Tại Đức, giá xe điện vẫn cao hơn khoảng 20% so với xe chạy bằng động cơ đốt trong, dù đã được giảm giá dựa trên các khoản ưu đãi.
Các nhà phân tích cho biết người tiêu dùng châu Âu đang lưỡng lự trong việc chuyển sang sử dụng xe điện chạy do chi phí trả trước cũng như các khoản phí khác cao.
Các nhà phân tích của Bank of America khuyến nghị các công ty cần phải giảm giá xe điện chạy để kích thích doanh số.
Ngân hàng này đã hạ dự báo doanh số bán xe điện tại châu Âu, dự đoán mức giảm 2% so với cùng kỳ năm trước vào năm 2024.
Trong tương lai, thị trường xe điện châu Âu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi các mục tiêu giảm phát thải của Liên minh châu Âu, bao gồm lệnh cấm hoàn toàn việc bán xe động cơ đốt trong vào năm 2035.
Các chuyên gia nhân định dù các công ty vẫn đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất điện, giá thành cao vẫn là một trong những thách thức ngăn cản việc sử dụng loại xe thân thiện với môi trường này ở châu Âu.