Theo Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, việc mở rộng danh sách này tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội, đồng thời bảo đảm nghiêm túc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu sầu riêng một cách bền vững.
Trước đó, ngày 11/7/2022, Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng tươi của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã ký kết.
Ảnh minh họa. (Nguồn ảnh: TN)
Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã gửi hồ sơ 1.604 vùng trồng và 314 cơ sở đóng gói sầu riêng cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc; trong đó 708 vùng trồng, 168 cơ sở đóng gói đã được phê duyệt. Do có vi phạm trong quá trình xuất khẩu, thời gian qua GACC đã tạm dừng hoạt động đối với một số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
So với các mặt hàng truyền thống khác của Việt Nam (xoài, thanh long, nhãn, vải, dưa hấu...), việc kiểm duyệt đối với sầu riêng từ thị trường Trung Quốc có sự khác biệt. GACC thực hiện kiểm tra thực tế (trực tiếp hoặc trực tuyến) với tất cả các vùng trồng, cơ sở đóng gói của Việt Nam trước khi phê duyệt mã số và cấp phép xuất khẩu.
Do vậy, việc Trung Quốc chính thức công nhận thêm 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam cho thấy nỗ lực của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, doanh nghiệp và người dân trong việc thực hiện các giải pháp để đáp ứng các yêu cầu từ thị trường Trung Quốc.
Theo đại diện Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, các địa phương và doanh nghiệp cần chủ động tận dụng cơ hội này, đồng thời bảo đảm nghiêm túc tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm nhằm xuất khẩu một cách bền vững.
Để phát triển bền vững, các địa phương, doanh nghiệp và bà con nông dân cần nâng cao nhận thức, phải có trách nhiệm với chính mã số vùng trồng mình đang sở hữu bởi đây không chỉ là công cụ quản lý mà còn là thương hiệu, là tài sản và là uy tín gắn liền với chất lượng sản phẩm nông sản.