Nguyễn Công Trứ (1778 -1858) là một danh nhân văn hóa, một nhà khẩn hoang lỗi lạc với tài kinh bang tế thế, một nhà nho tài tử, một nhà thơ tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đầu thế kỷ 19. Sự nghiệp của Uy Viễn Tướng công được tôn vinh gắn liền với việc khẩn hoang lập ấp vùng Tiền Hải (Thái Bình) và Kim Sơn (Ninh Bình), về văn chương ông là người đầu tiên hoàn thiện thể loại hát nói về các đề tài văn nhân tài tử và chí nam nhi, chí anh hùng.
Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Nguyễn Công Trứ và sự nghiệp lập thân kiến quốc”. |
Trong Hội thảo lần này, các nhà khoa học đã khai thác nhiều nguồn tư liệu khác nhau từ châu bản triều Nguyễn, các bộ sử từ thời Nguyễn, từ văn bia… Nhằm nhìn nhận, đánh giá chân xác hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Uy Viễn Tướng công – Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ.
Về khát vọng lập thân của Nguyễn Công Trứ, PGS –TS Đoàn Lê Giang phân tích rằng: Nguyễn Công Trứ là một người luôn theo đuổi sự học, học để thành tài, học để thỏa ước mộng công danh. Công danh ở đây không phải chỉ là hư danh bằng cấp để vênh vang với đời, hư danh của địa vị để kết bè kết cánh đục khoét quốc gia. Chí nam nhi và ước vọng công danh của Nguyễn Công Trứ chính là lý tưởng hoàn thiện tài năng và nhân cách con người để giúp đời giúp nước.
Về sự nghiệp kiến quốc của Uy Viễn Tướng công, GS – NGND Nguyễn Đình Chú nhận định: Nói đến Nguyễn Công Trứ là nói đến một ông quan, trải qua ba đời vua Nguyễn với lý tưởng tôn quân “sắp hai chữ quân thân mà gánh vác”, tham dự nhiều chức trách, xông pha khắp đất nước chống các cuộc nổi dậy và xâm phạm bờ cõi của ngoại bang. Cùng với đó, với chức trách Dinh điền sứ ông đã lãnh đạo nhân dân khai hoang lập ấp các huyện ven biển Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình.
Đồng quan điểm trên, PGS – TS Đoàn Lê Giang dẫn chứng thêm: Công lao không thể chối cãi của Nguyễn Công Trứ là việc khai hoang lập ấp. Với tư cách là Dinh điền sứ, ông đã chiêu mộ được hơn 3.500 dân đinh, khai hoang được gần 35.000 mẫu ruộng để thành lập nên huyện Tiền Hải và huyện Kim Sơn ngày nay. Bên cạnh đó, ông còn đề nghị những chính sách khuyến học, phát triển giáo dục, như lập các nhà học ở các ấp, rồi trích phần ruộng để làm học điền, trẻ em từ 8 -16 tuổi bắt buộc phải đi học…
TS Nguyễn Ái Học cho rằng: Các công trình nghiên cứu về sự nghiệp của Nguyễn Công Trứ từ trước đến nay khá dày. Tuy nhiên, với một con người hoàn tài, một cuộc đời phong phú, rộng lớn như Nguyễn Công Trứ chúng ta phải nghiên cứu lâu dài, cần nhiều công trình đào sâu, khám phá giá trị đa dạng, to lớn nơi ông.
Lập thân – kiến quốc, hai vế tương tác nơi mỗi con người đã tạo nên một mẫu hình công dân lý tưởng của mọi thời đại trong lịch sử, một mẫu hình nhân bản và cao cả, luôn là hoài bão ước mơ của người thanh niên tích cực. Hình mẫu con người Nguyễn Công Trứ cần thiết được đánh giá đúng đắn, để giới trẻ hiện nay học tập và nuôi hoài bão lập thân kiến quốc. TS Học nhấn mạnh.
Nguyễn Công Trứ là con người hành động và luôn hành động vì lẽ phải, vì dân vì nước. Ngay cả khi 80 tuổi , ông vẫn dâng sớ xin vua đi đánh giặc, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng (1858). Cuộc đời cùng sự nghiệp lập thân kiến quốc, nghị lực phấn đấu với niềm tin vào cuộc sống là bài học lớn cho các thệ hệ con cháu học tập noi gương.