Sốt xuất huyết bùng phát khắp nơi
Dịch sốt xuất huyết đang gia tăng rất nhanh và có nhiều nguy cơ bùng phát thành dịch lớn trong năm nay, đặc biệt là tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận. Riêng tại Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đã tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ 2016 và đang có nhiều diễn biến lạ, phức tạp.
Theo báo cáo, tính từ ngày 1/1/2017 đến nay, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 6.699 bệnh nhân mắc bệnh SXH, trong đó gần 90% bệnh nhân đã khỏi bệnh; 1 trường hợp tử vong tại phường Trung Liệt (quận Đống Đa), 2 trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh SXH tại phường Giáp Bát (quận Hoàng Mai) và phường Cống Vị (quận Ba Đình). Các đơn vị có số ca mắc cộng dồn cao là: Đống Đa (1.047 ca); Hoàng Mai (1.344 ca); Hai Bà Trưng (508 ca); Thanh Trì (427 ca); Thanh Xuân (420 ca); Hà Đông (406 ca).
Người dân nên thận trọng khi tự ý mua hóa chất hay thuê dịch vụ về phun muỗi phòng sốt xuất huyết. Ảnh: SKĐS |
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 6/7, toàn thành phố ghi nhận 21 ca bệnh do virus Zika tại 12 quận, huyện và 19 phường xã. Trong đó, 13 phụ nữ mang thai lúc bệnh và đến nay còn 8 thai phụ đang tiếp tục thai kỳ, 5 thai phụ đã kết thúc thai kỳ (1 bỏ thai và 1 sảy thai và 3 thai phụ đã sinh).
Cẩn trọng với các hóa chất phun thuốc diệt muỗi phòng sốt xuất huyết
Trước sự gia tăng nhanh chóng của dịch bệnh này đã khiến không ít gia đình lo lắng nên đã tìm đến các cơ sở dịch vụ phun hoá chất muỗi để thuê người về phun thuốc diệt muỗi tại nhà. Cũng có nhiều gia đình tự mua hóa chất bán trên thị trường vệ phun.
Tuy nhiên theo ông Hà Tấn Dũng, Trưởng phòng Ký sinh trùng côn trùng (Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội) cho biết, dù là phun thuốc muỗi theo hình thức dịch vụ hay phun theo chương trình miễn phí của hệ thống y tế dự phòng thì thuốc đều cần có sự kiểm định và cấp phép của Bộ Y tế.
Theo ông Dũng, hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc diệt muỗi được bán tràn lan và quảng cáo khắp nơi. Tuy nhiên người dân cần lưu ý, có những loại được phép sử dụng trong môi trường cho người, nhưng có những loại thuốc dùng cho nông nghiệp, không tốt cho sức khoẻ con người.
Sốt xuất huyết vẫn bùng phát mạnh nên việc phun thuốc không phải là biện pháp duy nhất. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, theo BS Dũng, trên thị trường xuất hiện nhiều loại thuốc diệt muỗi không nhãn mác, không bao bì ghi nguồn gốc sản phẩm. Trước kia, Bộ Y tế từng có quy định về việc những cơ sở phun hoá chất diệt côn trùng phải được phép của Bộ Y tế và được cấp chứng chỉ hành nghề, tập huấn chuyên môn nên việc thực hiện phun hoá chất được kiểm soát. Tuy nhiên từ năm 2001, khi các hộ kinh doanh chỉ cần có giấy phép kinh doanh là được thực hiện phun hoá chất thì thị trường này rất khó kiểm soát.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, rất nhiều công ty lợi dụng hoạt động phòng chống dịch để tổ chức đi phun thuốc diệt muỗi. Nhưng dùng hóa chất không đảm bảo như vậy cũng giống như việc điều trị mà không có sự kê đơn, sẽ dẫn đến hiện tượng kháng thuốc cho cả cộng đồng, thậm chí gây ngộ độc hóa chất vô cùng nguy hiểm.
Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, trong mùa bệnh sốt xuất huyết phát triển, biện pháp phun hóa chất không gian thường được ngành y tế dự phòng áp dụng để diệt muỗi truyền bệnh. Hoá chất này diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết đang bay trong không trung và bám đậu ở các nơi khác với yêu cầu đạt ngay hiệu quả.
Cách phòng tránh dịch sốt xuất huyết
Các chuyên gia y tế dự phòng cũng khuyến cáo phun hóa chất diệt muỗi không phải là giải pháp duy nhất. Vấn đề chính là người dân cần phải diệt bọ gậy trong nhà, sau khi phun thuốc mà vẫn còn bọ gậy trong lọ hoa, trong các đồ phế thải thì muỗi truyền sốt xuất huyết sẽ lại phát triển và gây bệnh cho người dân.
Vì vậy, mỗi người dân cần phải chú ý dự phòng để trong nhà mình không có muỗi, chủ động thu gom, vứt bỏ dụng cụ phế thải để tránh nước đọng, tránh tạo cơ hội cho bọ gậy phát triển. Khi có biểu hiện sốt cao liên tục trên 2 ngày thì cần khám tại cơ sở y tế để được tư vấn, điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc nếu mắc sốt xuất huyết thể nặng.
Sốt xuất huyết là bệnh gây ra do muỗi vằn Aedes truyền bệnh. Bệnh có biểu hiện sốt cao đột ngột, đau nhức cơ thể, xuất huyết, chảy máu cam. Ở thể nặng, bệnh gây xuất huyết ồ ạt, biến chứng gan, thận, xuất huyết não và tử vong. Đặc biệt, virus gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh khác nhau. Nếu một người đã nhiễm với chủng virus nào thì chỉ có khả năng tạo được miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do vậy, mỗi người có thể sẽ mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời. Tiến Vũ Đức Chính, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương thông tin, muỗi vằn được sinh ra sẽ mang virus đó trên mình. Chúng chủ yếu đẻ trứng ở các ổ nước sạch trong nhà hoặc gần nhà (ống máng, lọ hoa, đồ vỏ hộp), hốc cây, kẽ lá, vũng nước dưới đất, trong vườn, dụng cụ chứa nước có nhiều lá cây. Khi muỗi đã nhiễm virus, nó có thể truyền bệnh suốt đời. Thời điểm trời mưa hay nắng lên là thời điểm muỗi vằn phát triển mạnh. Trứng của chúng có thể chịu được khô hạn tới hơn một năm và vẫn nở ra loăng quăng khi gặp nước. Đến nay, các bác sĩ vẫn chưa tìm ra thuốc điều trị đặc hiệu sốt xuất huyết, vắc xin phòng bệnh còn đang trong giai đoạn nghiên cứu. |