Sức mua èo uột suốt một thời gian dài, nhưng đầu tháng 9 sức mua sôi động với cuộc chạy đua khuyến mãi dữ dội đã phản ánh bức tranh tiêu dùng ở TP.HCM thời gian gần đây.
Tính toán kỹ, chi tiêu chặt
Đảo mấy vòng quanh "đảo" khuyến mãi các mặt hàng hóa mỹ phẩm siêu thị BigC Miền Đông, chị Trương Thị Hoa mới dừng lại đứng nhìn hai bịch bột giặt cùng đang khuyến mãi. Với mức giá chênh nhau chỉ 7.000 đồng, nhưng một sản phẩm tặng kèm hàng gia dụng, một loại khác tặng một bịch xà bông 500gr nữa. "Coi vậy chứ cũng phải tính dữ lắm nè, coi cái gì khuyến mãi mà xài có lợi hơn thì sẽ lựa chọn mua", chị Hoa nói.
Ở một góc khác, quầy thực phẩm tươi sống đông đúc hơn hẳn, tuy nhiên quan sát các giỏ hàng có thể thấy khách đông nhưng lượng hàng bán ra không thực sự mạnh. Phần lớn các nhóm hàng khuyến mãi như rau củ, kim chi, trái cây… xuất hiện trong các giỏ hàng. Trong khi đó, nhóm hàng thực phẩm phục vụ mùa lễ như hải sản, thịt, thực phẩm chế biến sức mua cũng chỉ ở mức làng nhàng.
"Tôi hay đi siêu thị vì có khuyến mãi, giảm đồng nào đỡ đồng đó. Thời buổi vật giá leo thang nên đôi khi mua sắm gì cũng phải đắn đo và cân nhắc cho phù hợp", chị Hồ Thị Thương (Q.10) chia sẻ khi đợi mua hàng giảm giá tại Co.opmart.
Chờ đợi "duyệt" đơn hàng để vận chuyển tới nhà, bà Huệ (Q.2) cho biết, lần đầu tiên bà mua với hóa đơn gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên, đây là cách tiết kiệm bởi hầu hết sản phẩm đều thuộc diện khuyến mãi. "Không chỉ sử dụng trong dịp lễ, các sản phẩm tôi chọn mua như gạo, dầu ăn, đường, sữa... được dùng trong tháng sau lễ", bà Huệ nói.
Ghi nhận kì nghỉ lễ đầu tháng 9 vừa rồi cho thấy, lượng khách đổ về các hệ thống siêu thị khá đông với nhu cầu chủ yếu các sản phẩm là nhu yếu phẩm, thực phẩm cần thiết. Ghi nhận tại Lotte Cộng Hòa, BigC (Q.2), các quầy hàng trái cây và thịt, cá lượng khách mua vượt trội hơn hẳn.
Đặc biệt, các khu vực thực hiện chương trình khuyến mãi, ưu đãi luôn trong tình trạng khách hàng xếp hàng dài chờ đến lượt. Theo đó, các nhóm sản phẩm được người dân chọn mua trong dịp lễ này nhiều nhất là các thực phẩm tươi sống, nông sản nước giải khát và hàng tiêu dùng thiết thực như bột giặt, dầu xả.
Theo đại diện Co.opmart, do triển khai khuyến mãi dày đặc nên dịp lễ vừa rồi tại các siêu thị, tình trạng hàng chục người xếp hàng rồng rắn chờ đến lượt, vòng ngoài nhiều người chờ chực để được vào hàng. Sản phẩm được mua có giá dao động phổ biến 50.000-100.000 đồng sau khi đã giảm giá, thường là bột giặt, nước xả, dầu gội...
Giá neo cao, người mua e ngại
Thực tế, việc người tiêu dùng tiết giảm chi tiêu chỉ tập trung vào các mặt hàng nhu yếu phẩm, và chờ các đợt khuyến mãi để gom hàng không còn gì xa lạ, trở thành xu thế mua sắm từ 3-4 năm nay. Lý do giá cả chỉ tăng không biết giảm đã khiến người nội trợ phải tự chuyển mình, thắt chặt hơn nữa các hoạt động mua sắm không cần thiết.
Chỉ số giá (CPI) ở 2 nhóm hàng lương thực, thực phẩm luôn biến động theo chiều hướng tăng là chính. Cụ thể, từ tháng 4 cho đến nay nhóm hàng lương thực luôn thể hiện chỉ số tăng từ 0,03%, đến tháng 5 tăng thêm 0,08%, tháng 6 đạt mức tăng 0,48% so với tháng trước đó. Đến tháng 8, chỉ số lại tăng thêm 0,23%.
Còn nhóm hàng thực phẩm, dù giá heo biến động từ đầu năm, giảm sâu, thậm chí rất sâu nhưng mức giá giảm chỉ 0,64% ở tháng 5, tháng 6 giảm thêm 0,23% so với tháng trước. Tuy nhiên đến tháng 7, giá thực phẩm lại vọt lên 0,16% và đến tháng 8 giá cả lại tăng thêm 1,26%.
Từ những con số này có thể thấy, dù sức mua không tăng, nguồn cung nhiều mặt hàng như thịt heo, rau củ có những thời điểm dư thừa, giá sản xuất rất thấp, thế nhưng đến tay người tiêu dùng mức giảm lại không thực sự tương xứng.
Theo các chuyên gia, thực tế giá cả bán lẻ nhiều mặt hàng vẫn có quá nhiều lớp lang, dẫn tới việc chi phí bị đội lên nhiều khi đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, tại các hệ thống bán lẻ, giá bán các sản phẩm cao hơn bên ngoài, do chi phí vận hành, quảng bá.
"Người dân chỉ trông chờ vào các đợt khuyến mãi để mua hàng, vừa phù hợp túi tiền lại vừa thỏa mãn được tâm lý cần mua sắm", chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá.