Là phụ nữ có chồng con, nỗi vất vả lớn nhất không chỉ là chăm sóc con cái cho cẩn thận mà hơn hết còn phải tính toán thu chi, vun vén cho gia đình. Một người phụ nữ thông minh không phải cứ có tiền trong tay là tiêu một cách vô tội vạ mà phải cân đo đong đếm từng đồng một làm sao cho đủ ăn đủ mặc, rồi lại còn tích lũy để phòng lúc ốm đau.
Với những gia đình dư dả, hai vợ chồng đều đi làm, có công việc tốt, thu nhập ổn định thì không nói làm gì, nhưng có những nhà chỉ có chồng đi làm, vợ ở nhà chăm con thì quả là vất vả. Khi ấy, áp lực kinh tế sẽ đè nặng lên đôi vai của không chỉ chồng mà còn cả người vợ nữa.
Chồng vất vả kiếm tiền gánh vác gia đình, vợ cũng đau đầu với bài toán chi tiêu hợp lý trong số tiền có hạn. Như hoàn cảnh của mẹ hai con Hương Mai dưới đây chẳng hạn. Chị không đi làm được, chồng chị lại là công nhân, lương cũng chẳng nhiều nên kinh tế gia đình eo hẹp, cuộc sống cũng có nhiều hạn chế.
Hương Mai vốn là người phụ nữ của gia đình, nhưng đôi khi những áp lực kinh tế cũng khiến cô cảm thấy mệt mỏi.
Hương Mai lấy chồng và sinh được hai cậu con trai kháu khỉnh. Tuy nhiên, từ ngày sinh con, chỉ hai vợ chồng Mai chèo chống gia đình, vì ông bà nội ngoại hai bên đều ở xa, không ai giúp đỡ trông nom gì được. "Tớ thiệt thòi không được ở gần bố mẹ nên lúc mới sinh còn không được ở cữ, một mình xoay sở, nhiều lúc thấy tủi và cực quá cơ bạn ạ", Mai tâm sự.
Nhà neo người, không có ai đỡ đần chăm con, kinh tế phụ thuộc vào đồng lương công nhân chưa đầy 6 triệu mỗi tháng của chồng Mai. Nói là ở nhà làm "ô sin cao cấp" cho hài hước để xua đi cái vất vả thôi chứ nhiều khi Mai phát khóc vì cực nhưng lại chẳng có tiền mà thuê giúp việc.
Mai sinh bé thứ 2 năm nay, cũng may là cô có nhiều sữa nên mỗi tháng cũng chẳng phải tốn kém mua sữa ngoài. Mai cho hay, cô phải cố gắng làm sao đủ sữa cho con, chứ không thì không biết xoay vào đâu cả. "Tớ cố gắng uống thật nhiều nước ấm hàng ngày để có sữa cho con ti, vừa tốt cho bé mà cũng đỡ tốn kém cho mẹ nữa".
Ảnh chụp Mai và bé lướn khi đang mang thai cậu con trai thứ hai. Cô cố gắng để có sữa cho con ti thoải mái, vừa tốt mà lại không tốn tiền.
Hoàn cảnh gia đình không thuộc diện quá khó khăn nhưng chi tiêu của gia đình Mai khá eo hẹp. Cô cũng ít khi mua sắm đồ đạc cho con, đồ chơi đồ ăn cũng chỉ bình thường, nên lắm khi vào các hội trên mạng xã hội, thấy mẹ nào cũng xúng xính quần áo cho con thì thèm lắm: "Nhìn các mẹ khoe đồ mua cho con mà thương các bé nhà tớ thiệt thòi quá. Mình nghèo, mình khổ nhưng cứ cố gắng sống tốt để nuôi dạy các con ngoan ngoan mạnh khỏe thôi bạn ạ. Giờ mình chẳng mong gì hơn nữa cả".
Hương Mai cho biết thêm, mỗi ngày cô chỉ cho phép mình tiêu không quá 70 ngàn đồng. Để lo được cho 4 người thì số tiền đó cũng hơi khó, nhưng kinh tế gia đình không có nên Mai đành chịu. Thêm vào đó, mọi khoản phát sinh như xăng xe, hiếu hỉ, cô đều tránh tối đa. Nếu tháng nào có đám, Mai cũng đành phải để cho chồng tự lo chứ bản thân cô không thể kham nổi. Người mẹ hai con này cũng không có ý định tiêu thứ gì cho riêng mình.
Hai cậu trai nhỏ là động lực để Mai vươn lên trong cuộc sống.
Chồng Mai tuy làm việc lương không cao nhưng bù lại anh rất yêu thương vợ con nên Mai vẫn thấy hạnh phúc lắm. Hiếm hoi lắm cả nhà mới có dịp đi siêu thị chơi chứ cũng không sắm sửa nhiều.
Bảng cân đối thu chi hàng tháng nhà Hương Mai |
---|
*Thu: 4 triệu (lương chồng 5,96 triệu)
*Chi: - Tiền điện nước + tiền học con trai lớn: 1,8 triệu - Chi tiêu ăn uống hàng ngày cho bố mẹ và con lớn: 70k x 30 ngày = 2,1 triệu - Chi tiêu cho cá nhân mẹ: 0 đồng - Các khoản phát sinh khác (hiếu hỷ, xăng xe, đau ốm): chồng chi Tổng chi: 3,9 triệu |
Quả thật, không nghe Hương Mai liệt kê thì khó có thể hình dung làm sao có thể căn ke chi tiêu sát đến như vậy. Chỉ tiêu 70k mỗi ngày cho 4 người trong đó có hai người đang độ tuổi lao động và cho con bú, một em bé đang tuổi ăn tuổi lớn, khó lắm chứ. Nhiều người gợi ý, trong trường hợp như gia đình Mai, cô nên buôn bán online hoặc kiếm việc gì đó nhận về nhà làm thêm cho tăng thu nhập, đỡ bí bách kinh tế gia đình. Ngoài việc có thể chi tiêu rộng tay hơn, gia đình Mai cũng cần quỹ tiết kiệm dành cho những trường hợp khẩn cấp hoặc dự phòng cho tương lai, nếu không sẽ rất bí bách.
Thật ra thì chuyện thu chi mỗi nhà mỗi khác, có nhiều tiêu nhiều có ít tiêu ít, nhưng các mẹ hãy biết cân nhắc các khoản cần thiết để làm sao đừng bị hao hụt. Dễ vay dày nợ, có thể tháng này các mẹ thiếu chút chút, có thể đi vay nhưng đến tháng sau kiểu gì cũng hụt nhiều hơn, lại phải vay thêm khoản nữa. Đến lúc đó mới thực sự là mệt mỏi đấy các chị em ạ. Việc tự căn ke và đặt mức giới hạn khoản chi mỗi ngày cho cả gia đình như Mai cũng không phải là gợi ý tồi.