Hạt mơ có tác dụng gì?
Theo báo Sức khỏe và Đời Sống, hạt mơ là hạt duy nhất nằm trong quả mơ, có hình dạng giống như hạt hạnh nhân. Hạt mơ tươi có màu trắng, và lớp vỏ ngoài sẽ chuyển thành màu nâu khi phơi khô.
Dầu ép từ hạt mơ ngọt có thể được sử dụng để nấu ăn như dầu hạnh nhân ngọt. Bản thân hạt mơ cũng được sử dụng trong các thực phẩm chế biến sẵn như bánh quy amaretto, bánh quy hạnh nhân, và mứt mơ. Dầu và hạt từ giống mơ đắng thường được sử dụng trong mỹ phẩm trong dầu dưỡng thể, kem mặt, son dưỡng môi, và tinh dầu.
Thành phần hóa học chủ yếu trong nhân hạt mơ chứa 35 - 40% chất dầu (dầu hạnh nhân), 3% amygdalin và men emunsin gồm 2 men amygdalase và prunase.
Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, chất glucosid trong hạt mơ thủy phân cho cyanhydric acid có tác dụng ức chế nhẹ trung khu hô hấp, vì thế giảm ho suyễn. Benzaldehyde có thể ức chế chức năng tiêu hóa của pepsin, dầu hạnh nhân có tác dụng nhuận tràng...
Hạt mơ có tác dụng nhuận đại tràng khí bí. Ảnh minh họa |
Đông y cho rằng, nhân hạt mơ có vị đắng hơi ôn, quy kinh phế, đại tràng. Trong nghiên cứu về dược lý của Đông y cũng cho thấy, nhân hạt mơ có tác dụng chỉ khái bình suyễn, nhuận tràng thông tiện. Chủ trị các chứng ho do phong hàn hoặc phong nhiệt, ho suyễn do phế nhiệt, táo bón do tràng táo.
Chất độc trong hạt mơ
Tuy nhiên, theo báo Dân Trí, trong nhân hạt mơ lại chứa độc tính. Cụ thể là sau khi ăn vào, chất amygadalin và amygdalase kết hợp sinh ra prunasin và mandelonitrile bị phá hủy trong ruột sinh ra benzaldehyde và hydrocyanic acid rất độc.
Amygdalin là một chất tự nhiên có trong hạt mơ. Amygdalin cũng có mặt trong các loại hạt cây khác như táo, anh đào, mận, và đào. Amygdalin cũng có thể được tìm thấy trong các thực vật như cỏ ba lá, lúa miến, đậu lima. Khi ăn vào cơ thể, amygdalin sẽ chuyển thành xyanua. Xyanua là một chất tác dụng nhanh có thể gây chết người.
Trong hạt mơ có chất xyanua gây ngộ độc. Ảnh minh họa |
Xyanua ngăn không cho các tế bào trong cơ thể sử dụng oxy, khiến tế bào bị chết. Vì tim và não sử dụng nhiều ôxy, nên xyanua có hại cho hai cơ quan này nhiều hơn những cơ quan khác. Nghiên cứu gợi ý rằng 0,5-3,5mg xyanua/kg cân nặng có thể gây chết người. Ước tính ăn 50-60 hạt mơ sẽ cung cấp liều xyanua gây chết. Tuy nhiên ngộ độc xyanua có thể xảy ra ở nồng độ thấp hơn nhiều.
Cơ quan an toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) cảnh báo rằng chỉ một phần duy nhất gồm ba hạt mơ nhỏ hoặc một hạt mơ lớn có thể khiến người lớn tiếp xúc với nồng độ xyanua vượt ngưỡng an toàn, trong khi một hạt mơ nhỏ có thể gây ngộ độc ở trẻ 2 tuổi.
EFSA khuyên chỉ nên ăn không quá 20mcg xyanua/kg cân nặng một lần. Giới hạn này tương đương một hạt mơ cho người lớn. Thậm chí một nửa hạt cũng là vượt quá giới hạn đối với trẻ em.
Theo FDA, chưa có nghiên cứu lâm sàng nào được công bố chứng minh rằng chất laetrile trong hạt mơ là an toàn và hiệu quả, bệnh nhân ung thư sử dụng chất này đôi khi từ bỏ các biện pháp điều trị thông thường, dẫn đến thiệt hại. Tuy nhiên, bất chấp các cảnh báo, sản phẩm vẫn tiếp tục được nhiều trang mạng quảng cáo về tác dụng chữa khỏi, điều trị và phòng ngừa ung thư.
Do đó, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú được khuyên không nên ăn hạt mơ và laetrile vì chưa có dữ liệu về nguy cơ dị tật bẩm sinh. Ngộ độc xyanua và tử vong đã xảy ra do hậu quả của uống laetrile và ăn hạt mơ. Các chất từ hạt mơ có thể có triển vọng trong điều trị ung thư sau khi loại bỏ những yếu tố có hại. Tuy nhiên hiện nay việc sử dụng hạt mơ không được khuyến khích.
Theo VietQ.vn