Lễ giao thừa được cúng ở ngoài trời là bởi vì các cụ xưa hình dung trong phút cựu vương hành khiển bàn giao công việc cho tân vương luôn có quân đi, quân về đầy không trung tấp nập, vội vã (nhưng mắt trần ta không nhìn thấy được), thậm chí có quan quân còn chưa kịp ăn uống gì.
Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và đón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn cấp nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Mâm cúng giao thừa ngoài trời
Riêng đối với nghi lễ trong đêm giao thừa, ông Hùng hướng dẫn phải làm hai lễ, một lễ trong nhà và một lễ ngoài trời. Theo đó, lễ ngoài trời phải làm trước nhằm “nghênh tân, tiễn cửu” tức là đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ.
Thông thường lễ cúng giao thừa ngoài trời sẽ có xôi gà và hoa quả, riêng lễ cúng này không cần dùng bát hương mà có thể cắm hương vào các đồ lễ cúng. “Một chi tiết đặc biệt lưu ý, đây là điều nhiều người vẫn còn mắc phải đó là riêng đối với năm Dậu (năm con gà) mọi người không dùng gà để làm lễ, thay vào đó có thể là một khổ thịt”, chuyên gia phong thủy Hùng nói.
Mâm ngũ quả cúng giao thừa trong nhà
Còn đối với lễ cúng giao thừa trong nhà, theo ông Hùng thì chỉ cần hương đăng, hoa quả và trầu cau là đủ. Lưu ý khi thắp hương lên mọi người chỉ cần cắm mỗi bát một nén hương và cắm hương phải ngay ngắn không được cắm nghiêng.