Thứ 3, 15/04/2025, 17:33 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Cẩn thận kẻo thẻ ATM 'rác' vẫn phải trả phí, nhiều năm thành nợ lớn

Cẩn thận kẻo thẻ ATM 'rác' vẫn phải trả phí, nhiều năm thành nợ lớn
(Tieudung.vn) - Khách hàng mở nhiều thẻ nhưng không dùng, tưởng vô hại. Hóa ra ngân hàng vẫn tính phí hàng năm, lũy kế thành số nợ lớn.

Không dùng thẻ, vẫn mất phí

Ông Nguyễn Anh Tuấn (P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc kể, năm 2009 Ngân hàng (NH) TP Đông Á (DongA Bank) ở Long An triển khai phát hành thẻ miễn phí nên ông đã mở thẻ để nhận lương. Nhưng sau đó thấy bất tiện vì mỗi lần rút tiền phải đi 5 - 6km mới có cột ATM nên ông đã dừng sử dụng thẻ này gần 8 năm nay. Gần đây ông đến cơ quan Bảo hiểm TP.HCM làm thủ tục nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp thì được hướng dẫn mở thẻ DongA Bank để nhận tiền và bất ngờ khi nhân viên DongA Bank thông báo ông đang nợ phí bảo quản, bảo tồn thẻ ATM đã mở từ năm 2009 là 400.000 đồng (mỗi năm là 50.000 đồng).

“Họ đề nghị tôi thanh toán phí này thì mới cho tôi mở thẻ khác nhưng 8 năm nay thẻ không hoạt động mà NH vẫn tính phí thì vô lý quá. Tôi rất bất ngờ và không hề được NH thông báo mức phí này hằng năm. Nếu như tôi không mở thẻ DongA Bank thì tôi không hề biết mình đang nợ NH và không biết số tiền sẽ còn phát sinh đến bao nhiêu năm nữa” - ông Tuấn Anh bức xúc.

Mô tả ảnh
 

Trường hợp ông M.Văn (Q.Thủ Đức, TP.HCM) còn hy hữu hơn. Cách đây hơn 10 năm, ông M.Văn dùng hộ chiếu để mở thẻ NH TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank) nhận lương hằng tháng từ cơ quan chi trả. Khi hộ chiếu hết hạn, ông M.Văn đổi hộ chiếu mới mà không để ý phải thay đổi thông tin ở Vietcombank. Sau mấy năm, ông M.Văn đến thực hiện đổi thẻ theo đề nghị của NH thì không có hộ chiếu cũ chứng minh mình là chủ tài khoản, đưa chứng minh nhân dân thì NH không chịu, thế là ông phải mở thêm 1 thẻ ATM mới. Ông M.Văn cho biết: “Hiện nay thẻ ATM cũ vẫn hoạt động, hằng tháng NH thu phí dịch vụ nhắn tin khoảng 9.000 đồng. Thẻ chết lâm sàng mà không thể hủy được nên cứ tới hẹn thì NH thu tiền thôi”.

Đại diện DongA Bank cho hay "phí bảo quản" mà ông Nguyễn Anh Tuấn phản ánh “khả năng là phí thường niên”. Theo hợp đồng sử dụng thẻ giữa DongA Bank và khách hàng, khi nào khách hàng không còn nhu cầu sử dụng và có văn bản yêu cầu thì DongA Bank sẽ đóng tài khoản. Về việc thu phí khi thẻ đã ngưng giao dịch, đại diện NH này cho rằng: “NH vẫn phải duy trì hệ thống để quản lý tài khoản của khách hàng và vẫn phát sinh các chi phí vận hành nên việc có thu phí là bình thường”.

Trong khi đó, mức phí thường niên thẻ ở các NH thông thường từ 50.000 - 60.000 đồng/năm đối với thẻ thanh toán trong nước, từ 100.000 đồng đến 1 - 2 triệu đồng/năm thẻ tín dụng quốc tế.

Đề phòng nợ oan

Mỗi ngày, một người có thể nhận được hàng loạt các cuộc từ phía NH mời chào mở thẻ, vậy tại sao NH không liên hệ với khách hàng (trong trường hợp khách hàng không sử dụng dịch vụ nhắn tin tự động) để thông báo phí hằng năm cho khách hàng. Điều này NH hoàn toàn có thể làm được.
TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM.

Câu chuyện của 2 khách hàng nói trên là minh chứng rõ nhất cho cuộc chạy đua phát hành thẻ của các NH trong những năm trước đây. Theo số liệu NH Nhà nước, tính đến hết quý 2/2016, lượng thẻ các đơn vị phát hành tăng khoảng 9,8 triệu thẻ so với quý 3/2015, lên 106,03 triệu thẻ. Để cạnh tranh, các NH không ngừng triển khai các dịch vụ khuyến mãi cũng như giao chỉ tiêu phát hành thẻ cho nhân viên. Bảo vệ một NH giấu tên than: “Em làm bảo vệ mà mỗi tháng cũng phải mời khách hàng mở mấy thẻ ATM mới. Tháng nào không mời được ai, em lại mở cho những người trong gia đình cho đủ chỉ tiêu được giao”. Vì được miễn phí và không được kỹ về các loại phí sau này nên rất nhiều khách hàng có tâm lý "có mất gì đâu mà chẳng mở" dẫn đến số lượng thẻ "chết" (không sử dụng) rất lớn.

Theo TS Bùi Quang Tín, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, số lượng thẻ ATM chết khoảng 30 - 40% trong tổng lượng thẻ do các NH mới nhắm đến chỉ tiêu phát hành mà chưa đẩy mạnh các dịch vụ đi kèm. Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng số lượng 106 triệu thẻ ATM hiện nay của các NH Việt là quá nhiều bởi có khoảng 20 - 30% dân số sử dụng dịch vụ NH, tương đương khoảng 20 - 30 triệu người dân. Như vậy mỗi người nắm giữ khoảng 4 - 5 chiếc thẻ trong tay và chắc chắn, họ chỉ sử dụng 1- 2 cái. “Bản thân tôi cũng có rất nhiều thẻ NH nhưng chỉ sử dụng 2 thẻ tín dụng và thẻ thanh toán” - ông Hiếu nói.

Sở hữu nhiều thẻ nhưng thực sự không sử dụng hoặc thậm chí bỏ quên không nhớ mình đang có bao nhiêu thẻ ở các NH đang là câu chuyện chung của khá nhiều người. Một phần do cách mở thẻ như cho của các NH nhưng cũng do chính người dùng thờ ơ, chủ quan không yêu cầu khóa thẻ khi không có nhu cầu sử dụng. Do vậy chính người dùng cần soát xét lại những tấm thẻ ATM không dùng của mình, yêu cầu bằng văn bản NH khóa thẻ. Đừng để mất tiền oan vì thiếu hiểu biết lẫn chủ quan.

Quá nhiều loại phí

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đối với thẻ thanh toán sử dụng tiền của khách hàng, NH không nên thu phí thường niên để thúc đẩy việc không dùng tiền mặt. Tiền trong thẻ này là tiền của khách hàng, NH đang giữ tiền của khách hàng thì không cớ gì bắt khách hàng phải trả phí như thẻ tín dụng được. Thẻ tín dụng là thẻ mà NH thực hiện cấp hạn mức nên việc thu phí thường niên là đương nhiên. 

"Ở Mỹ hay các nước phát triển, NH không thu một số loại phí như các NH ở VN như phí sao kê tài khoản, phí thường niên đối với thẻ ATM... Các NH Việt thu phí quá nhiều. Chính vì vậy mà NH cần rà soát lại hằng năm số thẻ ATM có hoạt động hay không để tránh gây lãng phí cho xã hội và cắt giảm những mức phí không cần thiết", ông Hiếu nói. 

Theo Thanh Xuân (Thanh Niên)

Tags:
4.4 7 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tỷ giá

Pháp luật tiêu dùng

TP Hồ Chí Minh ra quân “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2025: siết chặt kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm
(Tieudung.vn) Từ ngày 15/4 đến 15/5, Sở An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh chính thức triển khai...
 
TP Hồ Chí Minh: triển khai tháng hành động vì an toàn thực phẩm từ ngày 15/4
(Tieudung.vn) Từ ngày 15/4, ngành chức năng TP Hồ Chí Minh sẽ bắt đầu triển khai tháng hành động...
 
Cử tri kiến nghị siết chặt quản lý kinh doanh thực phẩm chức năng
(Tieudung.vn) Sau Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, cử tri kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục...

Chống hàng giả

Vụ sản xuất 573 loại sữa bột giả: Người nổi tiếng
(Tieudung.vn) Vụ việc đường dây sản xuất 573 loại sữa giả nhắm đến người bệnh, phụ nữ mang thai...
 
Triệt phá đường dây làm sữa bột giả quy mô lớn, thu lợi gần 500 tỉ đồng
(Tieudung.vn) Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới...
 
TP Hồ Chí Minh: Khám xét, thu giữ hơn 24.000 hộp kẹo Kera
(Tieudung.vn) Liên quan đến vụ Quang Linh Vlog, Hằng Du Mục cùng nhiều đối tượng bị khởi tố, Cơ...

Cảnh báo

Mạo danh chữ ký của lãnh đạo Bộ Tài chính để lừa đảo
(Tieudung.vn) Bộ Tài chính vừa phát thông cáo thông tin cảnh báo về tình trạng giả mạo con dấu,...
 
Cảnh báo nguy cơ ngộ độc từ các loại nấm rừng
(Tieudung.vn) Mùa xuân là thời điểm ở miền Bắc, miền Trung mưa ẩm, các loài nấm mọc lên, trong...
 
Xuất hiện thủ đoạn lừa đảo khi cài đặt phần mềm làm Visa online
(Tieudung.vn) Sau khi truy cập một đường link tải phần mềm có tên "Visa Korean" anh Q. ở Hà...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.95814 sec| 864.086 kb