Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 1/2023 cả nước xuất khẩu 359.310 tấn gạo, thu về 186,6 triệu USD, giá trung bình 519,3 USD/tấn, giảm 17,3% về lượng và giảm 15,3% kim ngạch, nhưng giá tăng nhẹ 2,5% so với tháng 12/2022; so với tháng 1/2022 cũng giảm 29% về lượng, giảm 24,2% kim ngạch nhưng tăng 6,8% về giá.
Theo đó, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 36% trong tổng lượng và chiếm 34,6% trong tổng kim ngạch gạo xuất khẩu của cả nước, đạt trên 129,32 triệu tấn, tương đương 64,55 triệu USD, giá trung bình 499,2 USD/tấn, giảm 40,2% về lượng, giảm 37,4% về kim ngạch nhưng tăng 4,7% về giá so với tháng 12/2022; cũng giảm 44,8% về lượng, giảm 41,4% về kim ngạch nhưng tăng 6% về giá so với tháng 1/2022.
Xuất khẩu gạo sụt giảm mạnh trong tháng đầu năm 2023. Ảnh minh họa
Đáng chú ý, trong tháng 1/2022 Việt Nam không xuất khẩu gạo sang thị trường Indonesia, nhưng tháng 1/2023 xuất khẩu sang thị trường này chiếm trên 23,9% trong tổng khối lượng và chiếm 21,9% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, đạt 85.925 tấn, tương đương 40,93 triệu USD, giá trung bình 476,4 USD/tấn, tăng 69,6% về lượng và tăng 65,2% kim ngạch; giá giảm nhẹ 2,6% so với tháng 12/2022.
Thị trường Trung Quốc đứng thứ 3 đạt 47.424 tấn, tương đương 28,39 triệu USD, giá 598,6 USD/tấn, tăng 10,3% về lượng, tăng 19,1% kim ngạch và tăng 8% về giá so với tháng 12/2022, cũng tăng 28,2% về lượng, tăng 49,5% về kim ngạch và tăng 16,7% về giá so với tháng 1/2022; chiếm trên 13,2% trong tổng lượng và chiếm 15,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường FTA RCEP đạt 282.351 triệu tấn, tương đương trên 144,73 triệu USD, giảm 18% về lượng, giảm 14,2% kim ngạch so với tháng 12/2022; giảm 10,6% về lượng, giảm 4,3% kim ngạch so với tháng 1/2022. Xuất khẩu sang các thị trường FTA CPTTP đạt 19.679 tấn, tương đương 10,86 triệu USD, giảm 43% về lượng và giảm 36,2% kim ngạch so với tháng 12/2022; giảm 56% về lượng và giảm 50,8% kim ngạch so với tháng 1/2022.
Tại thị trường trong nước, giá lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng 1/2023, với mức tăng tùy thuộc vào nhu cầu đối với từng chủng loại lúa. Cụ thể, tại An Giang, lúa thường IR50404 ở mức 6.400 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 12/2022; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.400 đồng/kg, ổn định so với tháng trước. Tại Kiên Giang, lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg, từ 6.800 – 7.000 đồng/kg lên 7.000 – 7.300 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 tăng 300 đồng/kg, từ 7.000 – 7.200 đồng/kg lên 7.200 – 7.500 đồng/kg. Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 vụ Đông Xuân sớm tăng mạnh từ 6.300 đồng/kg lên 7.300 đồng/kg.
Mặc dù tình hình thế giới dự báo khá khó khăn, theo các doanh nghiệp Việt, cuối quý I/2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ khởi sắc trở lại khi nguồn cung của thị trường dồi dào, được hỗ trợ bởi các yếu tố như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt; Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng; Sự quay trở lại của các thị trường truyền thống như: Indonesia, Bangladesh…; Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch Covid-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Trong khi Thái Lan - đối thủ cạnh tranh của Việt Nam - đang chịu sức ép về giá khi đồng baht tăng làm giảm lợi nhuận của các nhà phân phối ở nước ngoài.