Một nhóm sản xuất rau an toàn áp dụng PGS tại huyện Mê Linh. |
Kết quả tích cực
Trên diện tích 285ha, những năm qua, HTX dịch vụ nông nghiệp xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) tập trung phát triển rau an toàn VietGAP áp dụng PGS. Giám đốc Nguyễn Văn Minh cho biết, nhờ PGS, quá trình sản xuất và thu hoạch được giám sát chặt chẽ, đảm bảo phát hiện, khắc phục những sai phạm dù nhỏ nhất. Từ đó, loại bỏ các nhóm sản xuất không đạt tiêu chuẩn.
Hiện trung bình mỗi năm, HTX Văn Đức cung ứng cho thị trường khoảng 35.000 tấn rau an toàn các loại. Thông qua PGS, chất lượng rau an toàn được bảo đảm. Nhờ đó đến nay, đã có 10 DN ký hợp đồng tiêu thụ với khối lượng trên 10 tấn rau an toàn/ngày. Đặc biệt, sản phẩm của đơn vị còn xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc...
HTX Văn Đức là một trong số 20 đơn vị ở Hà Nội tham gia mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ATTP áp dụng PGS đang phát huy hiệu quả. Kết quả rà soát, đánh giá của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hà Nội cho thấy, tổng diện tích rau an toàn đang được sản xuất có áp dụng PGS là 1.139ha (chiếm trên 10% tổng diện tích rau của TP). Hiện đã có 208 DN tham gia bao tiêu sản phẩm cho các nhóm sản xuất, với mức tiêu thụ trên 42 tấn rau/ngày. Giá bán ổn định và cao hơn các loại rau tiêu thụ phổ biến ngoài thị trường từ 1.000 - 2.000 đồng/kg. Đặc biệt, hạn chế tối đa hiện tượng “được mùa rớt giá” hiện nay.
Không dễ nhân rộng
Thành công của 20 chuỗi liên kết sản xuất ATTP áp dụng PGS là rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, theo Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng, việc phát triển, nhân rộng các mô hình này vẫn gặp khó.
Đơn cử như hiện nay, TP vẫn còn thiếu chính sách khuyến khích, đầu tư phát triển chuỗi, đặc biệt là ở khâu tiêu thụ, bảo quản chế biến sau thu hoạch. “Thông tin tem, nhãn hàng hóa để truy xuất nguồn gốc nông sản, thực phẩm tươi sống chưa được thực hiện, dẫn tới cạnh tranh thiếu công bằng. Trong khi, người tiêu dùng cũng gặp khó khăn khi muốn lựa chọn những nông sản chất lượng…” - ông Hồng cho hay. Giá cả thị trường nông sản hiện cũng bất ổn do thiếu quy hoạch vùng sản xuất. Nhất là tại các địa phương, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ còn chưa được quan tâm…
Để tiếp tục phát triển và nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất ATTP áp dụng PGS, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường kiến nghị UBND TP có cơ chế đặc thù khuyến khích thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ theo nguyên tắc: Hỗ trợ không quá hai năm cho mỗi một chuỗi. Từng bước nghiên cứu, đầu tư xây dựng và ban hành quy chế hoạt động chợ đầu mối nông sản. Cùng với chính sách hỗ trợ cửa hàng bán lẻ rau an toàn, cũng cần áp dụng tem, nhãn hàng hóa đối với thực phẩm tươi sống bán lẻ nhằm kiểm soát tốt hơn chất lượng thực phẩm.