Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 là một trong những hội nghị uy tín nhất thế giới về lĩnh vực thương mại gạo. Hội nghị quy tụ khoảng 500-600 khách mời bao gồm đại diện ngành hàng từ các nước xuất khẩu, nhập khẩu gạo lớn trên thế giới, các công ty lớn về xuất khẩu, nhập khẩu gạo và các chuyên gia quốc tế về sản xuất, thương mại gạo...
Song song với hội nghị trên, Bộ Công Thương cũng phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và một số doanh nghiệp, chuyên gia quốc tế tổ chức Hội nghị gạo quốc tế lần đầu tiên của Việt Nam.
Hội nghị gạo thế giới mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc kết nối, hợp tác và giao thương với các doanh nghiệp quốc tế.
Với chủ đề “Triển vọng sản xuất và thi trường xuất khẩu gạo Việt Nam”, mục tiêu của hội nghị là giới thiệu, quảng bá ngành sản xuất, xuất khẩu gạo Việt Nam, nhấn mạnh những thành tựu trong nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng các sản phẩm lúa, gạo Việt Nam.
Hội nghị này cũng là cơ hội để Việt Nam nâng cao hình ảnh gạo Việt trong bối cảnh nước ta đang tập trung mọi nguồn lực nhằm xây dựng thương hiệu và nâng cao chất lượng mặt hàng này, đồng thời triển khai thực thi Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo và khung khổ pháp lý mới điều hành hoạt động xuất khẩu gạo.
Theo kế hoạch, sẽ có khoảng 200 đại biểu quốc tế gồm các doanh nghiệp quốc tế liên quan đến lĩnh vực xay xát, chế biến gạo; phân phối, nhập khẩu gạo; kiểm định, giám sát chất lượng; bảo hiểm vận tải; sản xuất, cung cấp thuốc trừ sâu, thiết bị khoa học kỹ thuật; chuyên gia phân tích đánh giá thị trường gạo; cơ quan quản lý các nước về điều hành xuất, nhập khẩu gạo như Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc, Thái Lan.
Cùng tham gia Hội nghị còn có các tổ chức nghiên cứu sản phẩm lúa gạo thế giới; đại sứ quán một số nước nhập khẩu gạo truyền thống, trọng điểm tại Hà Nội; Văn phòng đại diện các tổ chức quốc tế có liên quan tại Việt Nam như: Tổ chức Nông Lương thế giới, Ngân hàng Thế giới.
Về phía nước chủ nhà Việt Nam có khoảng 150 đại biểu sẽ tham gia Hội nghị gồm các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo của Việt Nam; các bộ, ngành, cơ quan quản lý xuất khẩu gạo như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước; Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương có thương nhân xuất khẩu gạo.
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo; cơ chế chính sách quản lý điều hành xuất khẩu gạo; cơ cấu sản xuất gạo chất lượng và chiến lược phát triển thị trường gạo Việt Nam trong thời gian tới cũng như bài học về vấn đề xây dựng phát triển thương hiệu gạo cho Việt Nam…
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề về tình hình sản xuất, xuất khẩu gạo...
Gạo là mặt hàng xuất khẩu đóng góp giá trị lớn của ngành nông nghiệp. Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2018 cả nước xuất khẩu 4,53 triệu tấn gạo, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thu về 2,29 tỷ USD, tăng 26,5%.
Từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng khá. Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 - 100 USD/tấn. Giá xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm đạt 504,4 USD/tấn, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm 2017.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2018, mục tiêu xuất khẩu gạo đạt khoảng 6,5 triệu tấn với cơ cấu xuất khẩu chủ yếu là gạo chất lượng tốt.