Theo ông Nguyễn Trí Công, hiện các trang trại chăn nuôi lại tiếp tục gặp khó khăn về khâu tiêu thụ. Nguyên nhân chủ yếu là các chợ đầu mối lớn ở TP Hồ Chí Minh và địa điểm phân phối lớn đều tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch Covid-19 khiến giá sản phẩm chăn nuôi như heo, gia cầm bán tại trại đồng loạt giảm. Mức giá heo hơi hiện thấp chưa từng thấy kể từ sau đợt dịch tả heo châu Phi trở lại đây.
TP Hồ Chí Minh và các tỉnh tiêu thụ 80% lượng heo của Đồng Nai
Phòng Thương mại Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cho biết, hiện Đồng Nai là địa phương có ngành chăn nuôi lớn nhất cả nước. Hiện nay, tổng đàn heo của tỉnh Đồng Nai có khoảng 2,4 triệu con, tổng đàn gà khoảng 23,7 triệu con đủ để cung cấp cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Một điểm trang trại chăn nuôi heo của tỉnh Đồng Nai
Tổng tiêu thụ heo từ tỉnh xuất đi các tỉnh, thành khác trung bình là 51.300 con heo (dao động khoảng 44.000 - 60.000 con heo/tuần tùy thời điểm), tương đương tiêu thụ 7.300 con heo/ngày, chiếm hơn 80% tổng lượng tiêu thụ đàn heo của cả tỉnh Đồng Nai. Trong đó, tổng lượng heo của tỉnh Đồng Nai xuất đến TP Hồ Chí Minh chiếm khoảng 50%, còn lại 30% xuất sang các tỉnh lân cận như Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương và các tỉnh miền Tây.
Trong khi đó, theo nhận định của Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, thời gian qua hàng loạt thương lái của Đồng Nai kinh doanh ở các chợ của TP Hồ Chí Minh và Đồng Nai đều thuộc diện phải cách ly phòng dịch. Vì vậy hầu như tạm dừng mọi hoạt động mua bán, kinh doanh mặt hàng thịt heo.
“Hoạt động thu mua heo tại địa phương hầu như đình trệ. Các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công. Trong khi đó, giá bán lẻ thịt heo tại các chợ truyền thống lại tăng do các chợ đầu mối ở TP Hồ Chí Minh đóng cửa cũng như chi phí cho các khâu trung gian tăng lên. Thực trạng trên tạo nên sự mất cân bằng khi rớt giá tại nơi sản xuất nhưng giá nơi người tiêu dùng lại tăng cao” - ông Trần Chí Công cho biết.
Để tìm hướng ra cho tình trạng đàn heo đang gặp khó khăn về tiêu thụ, ngày 13/7/2021 Phòng Thương mại Sở Công thương cho biết, nguồn thịt heo cũng như hàng hóa thiết yếu nói chung, hiện tại đang được hỗ trợ theo hướng phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh nhằm tạo “luồng xanh”, ưu tiên để phân phối sản phẩm.
Đồng thời Sở Công thương tỉnh Đồng Nai cũng đang phối hợp với Cục Quản lý thị trường tỉnh, cung cấp hàng vào các khu phong tỏa. Bên cạnh đó, Sở Công thương phối hợp với UBND các huyện, thành phố để thành lập đội hỗ trợ, vận chuyển hàng, tạo điểm bán hàng tại các khu vực có nhu cầu, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
"Hiện tại tỉnh Đồng Nai có các doanh nghiệp lớn như Công ty cổ phần chăn nuôi CP - Chi nhánh 2 tại Đồng Nai, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Bình Minh, Công ty CJ Vina... cam kết cung cấp đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, Công ty Cổ phần CP tại Đồng Nai đã mở 45 cửa hàng Pork Shop trên địa bàn tỉnh để cung cấp mặt hàng thịt heo, gà, trứng gia cầm, sản phẩm chế biến đến tay người tiêu dùng" - Theo Phòng Thương mại Sở Công thương.
Điểm phân phối sản phâm thịt heo hiện tại nhằm “giải cứu” đàn heo của tỉnh Đồng Nai đang được Hiệp hội Chăn nuôi heo đề xuất đang được lãnh đạo Sở Công thương và TP Biên Hòa xem xét
Đề xuất mở điểm phân phối, giảm đàn và chờ cơ hội
Theo văn bản của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai gửi Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, Hiệp hội này đề xuất mở điểm phân phối, tiêu thụ thịt heo tại địa chỉ số 518, khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa. Nguồn heo lấy từ các trang trại chăn nuôi trong địa bàn tỉnh.
Để đảm báo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19, tại địa điểm này, ông Trần Chí Công cho biết đang chuẩn bị các trang thiết bị đủ tiêu chuẩn đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặt bằng thông thoáng, diện tích khoảng 100m2 ngay mặt tiền đường Đồng Khởi (TP Biên Hòa), từng là điểm bán hàng của Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai), thuận lợi cho việc phân phối.
“Việc mở cửa hàng bán thịt heo tại TP Biên Hòa để vừa hỗ trợ “giải cứu” tiêu thụ sản phẩm thịt heo cho người chăn, vừa giúp người tiêu dùng có chỗ mua thịt với giá hợp lý. Hiệp hội cam kết nhân viên bán hàng được xét nghiệm SARS-Cov-2 âm tính, bán đúng giá, đảm bảo an ninh trật tự và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch như 5K” - ông Trần Chí Công cho biết.
Trong khi đó, theo nhận định của ông Trần Lâm Sinh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Nai, từ khi TP Hồ Chí Minh thực hiện cách ly thì các điểm phân phối bán hàng lớn đã bị ảnh hưởng. “Về phía Sở NN&PTNT cũng đã có những chỉ đạo đến các khu vực chăn nuôi trong toàn tỉnh có phương án giảm đàn và cố gắng giữ đàn chờ khi thị trường có giá tốt mới xuất chuồng. Tất nhiên trong giai đoạn này sẽ khó khăn hơn trong việc đầu tư các kho hàng để trữ lạnh thịt heo” - ông Trần Lâm Sinh cho biết.