Từ đầu tháng 5/2018, nhiều vườn vải thiều ở các huyện Ea Kar, Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) bắt đầu chín rộ. Hiện nông dân đang tất bật thu hoạch những lứa vải đầu tiên. Nhờ thời tiết thuận lợi, vải được mùa và giá cả cao hơn mọi năm nên ai cũng phấn khởi.
Vải được mùa và giá cả cao hơn mọi năm nên ai cũng phấn khởi.
Giá vải thiều từ 35.000 - 45.000 đồng/kg
Ông Nguyễn Trọng Hải, ở thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) cho biết, những ngày này, vườn vải rộng 3 ha của ông luôn nhộn nhịp khi hàng chục nhân công đang thu hoạch, đóng vải vào thùng để xe tải chở về các chợ đầu mối, siêu thị của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam... Ông Hải cho biết, vườn của ông hiện có các giống vải U Hồng, Bình Khê… chín sớm hơn vải ngoài Bắc khoảng 1 tháng, chất lượng thơm ngon nên sức tiêu thụ mạnh.
"Vụ này được mùa, gia đình thu hơn 40 tấn, giá bán tại vườn từ 35.000 - 45.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình tôi lãi gần 1 tỉ đồng" - ông Hải phấn khởi nói.
Ở vùng đất pha cát xã Ea Pil (H.M’Đrắk) vốn lâu nay chỉ trồng mía, anh Đỗ Đình Trung mạnh dạn phá bỏ 1,5 ha mía để trồng vải hơn 3 năm trước. Năm nay, anh thu hoạch gần 20 tấn vải, thu về hơn 700 triệu đồng, lợi nhuận cao gấp nhiều lần trồng mía. Một số nông dân thấy vậy cũng bắt đầu trồng theo.
Cũng như gia đình Trung, gia đình bà Vũ Thị Tập, thôn 9, xã Ea Sar, huyện Ea Kar cũng đang huy động nhân công thu hoạch vải để xuất bán cho thương lái. Bà Tập cho biết, với 2 ha vải gồm các loại u hồng và u trứng thu hoạch năm đầu tiên được thương lái mua tại vườn với giá 47.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về gần 800 triệu đồng.
Vải hiện đang là cây trồng được nhiều người dân tại huyện Krông Pắc lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ cây vải mà nhiều hộ gia đình nghèo khó đã vươn lên làm giàu, ổn định cuộc sống. Gia đình ông Nguyễn Văn Niên ở thôn Nghĩa Lập, xã Ea Kuăng là một ví dụ. Ông Niên hiện có 10 gốc vải được trồng trên hơn 1 sào đất. Năm ngoái, gia đình ông thu được gần 80 triệu đồng từ vườn vải. Năm nay, nhờ thời tiết thuận lợi, vải ra hoa đậu quả tốt nên dự kiến năng suất sẽ cao hơn nhiều so với năm ngoái.
“Những năm gần đây nhờ giá vải tăng cao mà gia đình tôi đã thoát được cảnh nghèo khó, nuôi được các con ăn học. Ngoài ra, tôi còn mua được thêm 5 sào đất rẫy và trả hết nợ nần trước kia. Vụ này vải được mùa, giá lại cao hơn nhiều so với mọi năm nên tôi rất phấn khởi”, ông Niên chia sẻ.
Theo thống kê sơ bộ, Đắk Lắk hiện có gần 350 ha vải, trong đó khoảng 250 ha đã cho thu hoạch, sản lượng hơn 2.100 tấn. Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng bên cạnh khí hậu, thời tiết trên cao nguyên khác biệt, người trồng vải còn thực hiện tốt quy trình trồng, kích thích ra hoa vào thời điểm phù hợp để cây cho quả chín sớm vào tháng 4 và 5.
Theo ông Thích, vải Đắk Lắk đã được các cơ quan nghiên cứu cây ăn quả kiểm nghiệm và được đánh giá chất lượng không thua kém so với các giống vải thiều chính vụ ở miền Bắc.
Sở NN-PTNT sẽ tiếp tục theo dõi việc phát triển cây vải trên địa bàn, trước mắt khuyến khích nông dân có sự liên kết trong mở rộng vùng chuyên canh vải. Tuy nhiên người dân cần phối hợp với chính quyền địa phương tham gia đăng ký thương hiệu, tuân thủ các quy định chặt chẽ về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch.
"Nếu sản phẩm vải chín sớm được đóng gói, có nhãn mác, chỉ dẫn địa lý sẽ nâng cao thương hiệu của cây vải chín sớm Đắk Lắk"- ông Thích nói.