Bản tin tiêu dùng trong tuần: Giá vàng, rau xanh, trái cây, cua biển, gia cầm... đồng loạt tăng mạnh.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.702 USD/ounce - giảm 11 USD so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua. Tuy nhiên, tính chung, tuần qua giá vàng thế giới tăng 2 USD/oz so với giá mở cửa tuần.
Giá vàng thế giới tăng nhẹ.
Giá vàng thế giới quay đầu giảm mạnh do giới đầu tư đặt kỳ vọng chính phủ các nước sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế khi thực hiện việc nới lỏng, mở cửa lại nền kinh tế, và tìm kiếm cơ hội đầu tư trên thị trường chứng khoán đang trên đà phục hồi.
Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố nền kinh tế này mất 20,5 triệu việc làm trong tháng 4. Đây là mức sụt giảm đột ngột và cũng là lớn nhất kể từ khi số liệu này được theo dõi năm 1939. Tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng vọt lên 14,7% - cao nhất kể từ năm 1948. Lần cuối cùng số liệu thất nghiệp của Mỹ tệ đến mức này là thời kỳ Đại Suy thoái, khi chạm 24,9% năm 1933. Riêng trong tháng 3, Mỹ đã mất 870.000 việc làm.
Nhưng cũng chính những dữ liệu trên lại dấy lên kỳ vọng chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ có nhiều hơn những biện pháp hỗ trợ, kích thích kinh tế, đặc biệt khi mà cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Một điểm nữa, dữ liệu kinh tế không mấy lạc quan sẽ thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cân nhắc thêm các biện pháp kích thích, tiếp tục hạ lãi suất, thậm chí là lãi suất âm.
Giá vàng trong nước mở cửa phiên giao dịch sáng nay được Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC niêm yết giá vàng ở mức 47,90 - 48,30 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giảm 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch chiều 8/5. Chênh lệch giá mua - bán hiện vẫn duy trì ở mức 400.000 đồng/lượng.
Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng mua vào - bán ra ở mức 47,85 - 48,15 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và giữ nguyên ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch ngày 8.5. Chênh lệch giá bán hiện cao hơn giá mua là 300.000 đồng/lượng.
Tính chung, nếu mua vàng đầu tuần và bán ra tại phiên chốt tuần, người mua đã lỗ đến 500.000 đồng/lượng dù giá vàng chỉ giảm rất nhẹ so, khoảng 100.000 đồng/lượng.
Giá cua biển tăng mạnh
Sau một thời gian dài giảm mạnh, có thời điểm khó tiêu thụ do không có thương lái thu mua, nhưng đầu tháng 5 trở lại đây, giá cua biển ở Bạc Liêu tăng mạnh trở lại.
Giá cua biển tăng mạnh.
Người dân cho biết, hiện giá các loại cua thương phẩm tăng dao động trên 100.000 đồng/kg. Cụ thể, giá cua gạch son từ 400.000 - 450.000 đồng/kg; cua y 250.000 - 300.000 đồng/kg;… tăng trung bình trên 100.000 đồng/kg; trong đó, cua gạch son tăng đến 150.000 đồng/kg.
Theo thương lái tỉnh này, mặc dù giá cua tăng mạnh trong những ngày qua vẫn không thu mua được nguồn cung cấp cho thị trường. Nguyên nhân, do diện tích nuôi cua năm nay không đạt sản lượng. Mặt khác, nhiều diện tích thả nuôi nhưng cua không lớn, nhiều khả năng do môi trường, nguồn nước, thời tiết, con giống…
Hơn nữa, hiện tại chưa đến mùa cua gạch son, trong khi đó nhu cầu thị trường đang tăng mạnh, nhất là sau khi Chính phủ cho phép nới lỏng giãn cách xã hội, cho hệ thống nhà hàng, điểm du lịch đón khách trở lại nên nhu cầu tiêu thụ tăng gấp nhiều lần so với cao điểm xảy ra dịch COVID-19.
Theo các cơ sở kinh doanh, khả năng giá cua biển sẽ còn tiếp tục tăng đến đầu tháng 7 âm lịch, vì thời điểm này vào mùa cua biển, nhất là vào vụ thu hoạch cua gạch son, khi sản lượng dồi dào thì giá cả sẽ ổn định lại.
Trước giá cua tăng mạnh trong những ngày qua, người dân rất phấn khởi, đẩy mạnh đầu tư mở rộng diện tích nuôi. “Ăn theo” đó, giá cua giống cũng tăng theo, sức mua mạnh, nhiều cơ sở đẩy mạnh sản xuất con giống cung cấp cho người nuôi.
Giá rau củ tăng gần gấp đôi
Thời gian gần đây, ở các tỉnh phía Nam đang vào mùa cao điểm nắng nóng, thời tiết oi bức ngay từ sáng sớm. Do đó, nhều mặt hàng giải nhiệt mùa nóng được người tiêu dùng chọn mua tăng đáng kể, kéo theo giá cả tăng vọt, nhiều loại rau củ tăng giá gần gấp đôi so với tháng trước.
Giá rau củ tăng gần gấp đôi.
Tại các chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), lượng hàng hoá về chợ dồi dào nhưng giá lại tăng cao hơn bình thường. Chẳng hạn tại chợ đầu mối Hóc Môn cho thấy nhiều mặt hàng có mức giá tăng gần gấp đôi như rau om từ 8.000 đồng lên 20.000 đồng/kg, cà pháo 5.000 đồng lên 10.000 đồng/kg, rau tần ô từ 8.000 đồng lên 14.000 đồng/kg. Các loại rau củ khác cũng có mức giá tăng khá cao như khổ qua từ 12.000 đồng lên 17.000 đồng/kg, nấm rơm đen 55.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng).
Tại chợ đầu mối Thủ Đức, ngò rí tháng trước chỉ có 5.000 đồng/kg, nay tăng vọt lên 20.000 đồng/kg so, đậu cove trắng 18.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng), cải xanh 23.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng), bắp cải tròn 7.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng).
Nhiều loại trái cây tại các chợ đầu mối cũng có mức giá tăng đáng kể như xoài cát Hoà Lộc 55.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), thanh long Bình Thuận 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), nho đỏ Phan Rang 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), bưởi 5 roi và bưởi da xanh đều tăng 5.000 đồng lên 20.000-35.000 đồng/kg, dưa hấu trái dài 10.000 đồng/kg (tăng 2.000 đồng)...
Các loại rau củ, trái cây Trung Quốc đã được nhập về nhiều hơn nhưng giá bán cũng tăng cao hơn bình thường, cũng có mức giá tăng tương tự. Theo đó, táo Trung Quốc 26.000 đồng/kg (tăng 6.000 đồng), quýt 18.000 đồng/g (tăng 5.000 đồng)...
Giá rau củ quả tại các chợ đầu mối cho dù có tăng khá cao nhưng vẫn chưa thể sánh bằng mức tăng tại các chợ lẻ trong đó các siêu thị và cứa hàng tiện ích có mức giá bán rất cao.
Chẳng hạn dưa leo tại một số chợ lẻ có giá bán lên đến 25.000 đồng/kg (trong khi tại chợ đầu mối chỉ có 12.000 đồng/kg), đậu cove 39.000 đồng/kg, gấp 3 lần giá bán ở chợ đầu mối; hay giá bầu ở chợ lẻ cũng cao gấp 4 lần chợ đầu mối khi bán với giá 24.000 đồng/kg. Nhiều loại rau củ khác cũng cao chợ sỉ tới 2-3 lần, như: cải thảo Đà Lạt 24.000 đồng/kg (gấp 3 lần), khổ qua 23.000 đồng/kg (gấp đôi), dưa hấu 39.000 đồng/kg (gấp gần 4 lần).
Gia cầm tăng giá
Giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp cũng là lúc người chăn nuôi gia cầm ở Hà Tĩnh gặp khó. Đầu ra sản phẩm giảm đã đành, giá cả cũng theo đó “xuống dốc”. Gà đồi Thượng Lộc (Can Lộc) từ lâu đã được biết đến vì thơm ngon, nhưng dịch bệnh cũng khiến người chăn nuôi thu hẹp thị trường tiêu thụ.
Gia cầm tăng giá.
Chị Đặng Thị Nga (xã Thượng Lộc, Can Lộc) - hộ chuyên nuôi gia cầm nhập cho các mối sỉ cho biết: “Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi vừa “bí” đầu ra mà giá lại rẻ. Điều mừng là sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn hoạt động trở lại, nhu cầu gia cầm tăng lên. Hơn nữa, giai đoạn này giá thịt lợn cao, nhiều người tiêu dùng lựa chọn thịt gà làm thực phẩm. Giá gà đồi theo đó tăng lên, hiện từ 100 - 110 ngàn đồng/kg, trong khi giai đoạn giãn cách xã hội chỉ 90 - 95 ngàn đồng/kg”.
Bên cạnh giống gà lai thả đồi được nuôi bằng các sản phẩm nông nghiệp thì giá gà nuôi theo hướng hàng hóa, sử dụng thức ăn công nghiệp cũng được phục hồi.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Văn (Thạch Hà) chia sẻ: “Tầm một tháng trước, nông dân chỉ bán được gà với giá 48 - 55 ngàn đồng/kg. Tín hiệu vui là thị trường hiện đã phục hồi, giá gà tăng lên, dao động từ 60 - 65 ngàn đồng/kg. Với mức giá này người nuôi đã có lãi khoảng 25 - 30 ngàn đồng/con (nuôi trong 4 tháng)”.
Không chỉ gà, thời điểm này, vịt, ngan, ngỗng... cũng tăng giá trở lại. Vịt dao động từ 60 - 65 ngàn đồng/con (giai đoạn giãn cách xã hội khoảng 50 - 55 ngàn đồng/con); ngan dao động từ 65 - 70 ngàn đồng/kg (trước đó khoảng 60 ngàn đồng/kg)...