Ngành hàng tiêu dùng nhanh, với vô vàn sản phẩm tiêu dùng, từ mỳ gói, sản phẩm sữa, giấy vệ sinh… lũ lượt “đổ bộ” lên các trang thương mại điện tử. Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel vừa công bố báo cáo cho thấy, doanh thu hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), gồm thực phẩm, đồ uống, hóa mỹ phẩm, gia vị… qua thương mại điện tử đã gia tăng với tốc độ chóng mặt.
Theo Báo cáo "Tương lai của thương mại điện tử trong FMCG" của Kantar Worldpanel, thương mại điện tử hiện chiếm 4,6% tổng doanh thu của FMCG trên toàn cầu, doanh số bán hàng tạp hóa thông qua các nền tảng thương mại điện tử đã tăng 30% trong 12 tháng qua.
Cũng theo Kantar Worldpanel, các tập đoàn bán lẻ lớn trên thế giới đang chuyển dần dịch vụ của mình sang bán hàng trực tuyến và tận dụng lợi thế thương hiệu với chiến lược đa kênh, để đạt được thành công và bảo vệ vị trí.
Các mô hình bán hàng hiện đại và truyền thống giờ đây đầu phải chia khách với kênh Thương mại điện tử |
Ở Việt Nam, thương mại điện tử cũng có bước phát triển nhanh chóng. Ông David Anjoubault, Tổng giám đốc của Kantar Worldpanel Việt Nam nhận định, mặc dù quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam còn nhỏ so với các hình thức khác, nhưng lại có tiềm năng rất lớn, tăng trưởng về giá trị của ngành hàng FMCG thông qua thương mại điện tử đã đạt con số 69%. Với sự phát triển mạnh mẽ của Internet và lượng người sở hữu điện thoại thông minh ngày càng nhiều, cùng với sự đầu tư lớn của các nhà bán lẻ, thương mại điện tử ở Việt Nam hứa hẹn sẽ bùng nổ trong những năm tới.
Doanh nghiệp đua đầu tư bán lẻ trực tuyến
Bizweb là tên một nền tảng bán hàng trực tuyến mở, do Công ty cổ phần Công nghệ DKT cung cấp đến các doanh nghiệp thương mại điện tử vừa và nhỏ tại Việt Nam. Hiện nền tảng bán hàng trực tuyến này đã có số lượng khách hàng vượt 30.000 doanh nghiệp và chủ shop.
Ông Trần Trọng Tuyến, CEO của Bizweb khẳng định, gia tăng doanh thu từ bán lẻ trực tuyến không chỉ tăng mạnh với riêng ngành hàng tiêu dùng nhanh, mà còn diễn ra với nhiều ngành hàng khác.
“Giờ đây, ngồi một chỗ, người tiêu dùng có thể lựa chọn xi măng, sắt thép thông qua các trang bán hàng trực tuyến của doanh nghiệp”, ông Tuyến nói.
Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, chuyên sản xuất và kinh doanh tôn thép ở Việt Nam vừa ra mắt giao diện website mới có kênh đặt hàng trực tuyến dành cho khách hàng, bao gồm cả cá nhân và đại lý.
Bà Tống Ngọc Ánh, đại diện beemart.vn, một trang thương mại điện tử cho biết: “Nhiều doanh nghiệp đã thay đổi quan niệm bán hàng, không gói gọn trong bán hàng trực tiếp như trước nữa, mà đổ bộ lên các website thương mại điện tử”. Doanh thu của nhiều doanh nghiệp đã được cải thiện đáng kể khi lựa chọn bán hàng trực tuyến. Số lượng khách hàng đến với Beemart.vn ngày càng nhiều.
Báo cáo mới nhất của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen cho biết, tăng trưởng của tổng doanh thu bán lẻ ngành FMCG trên thế giới hiện đang ở mức khoảng 4% mỗi năm. Cùng với tăng trưởng trong ngành FMCG truyền thống, tổng doanh số bán lẻ trên kênh thương mại điện tử của ngành hàng này cũng đang tăng vượt trội, dự kiến đạt 2.100 tỷ USD vào năm 2020, tăng 20%.
Theo Nielsen, có nhiều cách để ngành FMCG tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận. Đáng chú ý, trong thời đại của công nghệ số như hiện nay, đã đến lúc các doanh nghiệp FMCG cần phải tập trung vào nguồn tăng trưởng mới là thương mại điện tử (TMĐT). Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện doanh số bán hàng qua TMĐT mới chỉ đạt gần 4 tỷ USD, mục tiêu sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2020. Ngoài ra, với thu nhập tăng, chất lượng đời sống được cải thiện, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi cao hơn về chất lượng sản phẩm.