Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 0,5-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,5-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,6-7,3%/năm.
Nhiều ngân hàng tăng mạnh lãi suất kỳ hạn dài để hút vốn.
Hiện nay, mức 8,6%/năm là lãi suất cao nhất trên thị trường, thuộc về Ngân hàng Bản Việt. Mức này được Bản Việt áp dụng với các khoản tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn 24 - 60 tháng, không yêu cầu sàn giá trị tiền gửi. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn có chương trình gửi tiết kiệm online với lãi suất 8,7% cùng kỳ hạn trên.
Nhìn chung, các ngân hàng đều đặt mức lãi suất cao nhất với kỳ hạn dài trên 36 tháng, ngoại trừ Nam A Bank và ABBank. Đây cũng là 2 ngân hàng có mức lãi suất cao tiếp theo sau Bản Việt, lần lượt là 8,45% và 8,3% ở kỳ hạn chỉ 13 tháng. Tuy nhiên, để được hưởng mức này, khách hàng cần gửi số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên.
Eximbank duy trì lãi suất ở mức 8%, còn lại các ngân hàng đều dưới 8%. Lãi suất cao tiếp theo thuộc về VIB với 7,8%, ngay sau là SCB với 7,7%, MBBank, MaritimeBank mức 7,4 - 7,6%. Một số ngân hàng còn lại, lãi suất dao động 7%. HDBank với lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng, 12 tháng và 13 tháng, cộng thêm tối đa lên đến 0,6%/năm, lãi suất tối đa cho khoản gửi tiết kiệm lên đến 7,7%/năm.
Để thu hút tiền nhàn rỗi, một số tổ chức tín dụng còn tung ra chứng chỉ tiền gửi (CCTG) lãi suất cao. VietABank vừa thông báo phát hành CCTG ghi danh với mức lãi suất cao kỷ lục. Khách hàng cá nhân mua CCTG tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng sẽ được lãi suất hàng tháng 8,38%/năm, trong khi lĩnh lãi cuối kỳ lên tới 9,1%/năm.
Trước đó, một số ngân hàng thương mại đã phát hành CCTG, lãi suất xấp xỉ 9%/năm. Sacombank đang phát hành CCTG trên toàn hệ thống dành cho khách hàng cá nhân và tổ chức. Theo đó, khách hàng mua CCTG dài hạn có ghi danh mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng) sẽ được nhận mức lãi suất 8,6%/năm. BIDV, SHB, MSB… phát hành CCTG dành cho khách hàng cá nhân, doanh nghiệp để huy động vốn trung - dài hạn từ thị trường, lãi suất cao nhất có thể lên tới 8,9%/năm.
Đáng chú ý, VietCredit vừa phát hành CCTG đợt 3 với tổng mệnh giá phát hành là 1.000 tỷ đồng; kỳ hạn 12 tháng với số tiền đầu tư chỉ từ 100 triệu đồng, lãi suất 10%/năm. Hiện vốn vay trung, dài hạn, ngân hàng cung ứng cho doanh nghiệp với lãi suất 10-12%/năm, đồng thời công ty tài chính cho vay tiêu dùng lãi suất khá cao, 40-50%/năm. Vì thế, cả ngân hàng và công ty tài chính sẵn sàng huy động vốn qua kênh CCTG từ thị trường với mức lãi suất cao 9-10%.
Bên cạnh tăng lãi suất, các ngân hàng còn tặng quà, hoàn tiền khi giao dịch trực tuyến, để kích cầu khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Ngân hàng Bảo Việt tổ chức chương trình khuyến mãi lớn nhất trong năm mang tên "Amazing Summer", ưu đãi dành cho tất cả khách hàng giao dịch từ ngày 15/5 - 14/8; Vietbank triển khai chương trình khuyến mãi "Sống trọn hè vui" từ ngày 20/5 - 17/8 dành cho khách hàng tham gia gửi tiết kiệm, tổng giá trị khuyến mãi lên đến 6 tỷ đồng; VIBbank với hơn 3.000 phần quà tổng trị giá 5 tỷ đồng. Tại một số ngân hàng khác, khách hàng còn nhận thêm mã số dự thưởng để tham gia quay số trúng giải đặc biệt như xe ô tô, các chuyến đi du lịch trong và ngoài nước…
Theo quy định NHNN, từ năm 2019, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của các ngân hàng sẽ giảm từ mức 45% xuống 40%. Việc cạnh tranh huy động vốn ở kỳ hạn trên 12 tháng là cách các ngân hàng thương mại đẩy mạnh nguồn lực phục vụ các khoản vay trung và dài hạn.
Mặt khác, theo đánh giá của TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế - tài chính, trước căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang leo thang và Trung Quốc buộc phải phá giá đồng nhân dân tệ, khiến tỷ giá tiền đồng khó tránh khỏi ảnh hưởng và gây sức ép lên lãi suất, tuy chưa lớn, song để giữ được nguồn tiết kiệm, ngân hàng đã tăng lãi suất đầu vào.