Chủ nhật , 24/11/2024, 18:18 PM
Bạn đọc đăng tin
Hotline: 0918658465

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do
(Tieudung.vn) - Nhiều mặt hàng bình thường không phải là thiết yếu nhưng nếu như nó gắn với một sản phẩm thiết yếu hoặc hàng hóa xuất khẩu thì nó lại rất quan trọng trong chuỗi sản xuất.

Chiều ngày 29/7, (Tổ Công tác 970) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức diễn đàn “Kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện giãn cách phòng, chống Covid-19” với sự tham gia của một số tỉnh, thành phía Bắc và 19 tỉnh, thành phía Nam và đại diện các bộ ngành trung ương, theo hình thức trực tuyến.

Xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nêu hai mục đích của diễn đàn. Một là làm thế nào để đảm bảo cung cầu hàng hóa giữa 2 miền Nam - Bắc; Hai là tiếp tục xây dựng chuỗi cung ứng bền vững sau này, không chỉ trong thời gian thực hiện giãn cách .

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, cần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản bền vững cả về sau này chứ không chỉ trong điều kiện giãn cách (Ảnh minh họa).

Theo Thứ trưởng, 19 tỉnh, thành phố phía Nam tuy đang giãn cách xã hội nhưng việc thu hoạch lúa, trái cây vẫn được đảm bảo. Các ngành hàng khác vẫn duy trì được sản xuất, phục vụ kịp thời cho xuất khẩu. Qua kiểm tra thực tế, Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT khẳng định, lượng cung lương thực, không thiếu, thậm chí một số nơi có dấu hiệu cung vượt cầu.

“Chúng tôi tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ Thủ tướng giao”, Thứ trưởng Nam nói. Trong gần hai tuần công tác phía Nam, Tổ công tác 970 đã kịp thời tháo gỡ cho một số doanh nghiệp và địa phương. Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ liên quan như GTVT, Công thương, tình hình giao thương về cơ bản vẫn đảm bảo.

“Dịch Covid-19 đã được khống chế ở một số nơi, nhưng nhiều nơi còn diễn biến phức tạp. Vì thế, việc cung ứng, lưu thông và phân phối nông sản ở một số nơi còn bị ách tắc. Vì lẽ đó, kính mong các doanh nghiệp, HTX, bà con nông dân hết sức thông cảm khi một số nơi phải siết chặt lưu thông. Nhiệm vụ số một giờ là chống dịch. Sức khỏe người dân là trên hết”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam phát biểu.

Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để lưu thông tự do

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hà Nội cho biết khó khăn lớn nhất là về lưu thông sản phẩm trong thời điểm giãn cách. Theo ông Tường, thương lái không thể đi từ xã tới xã, thậm chí có thương lái đi mua mà không về được. Sở NN&PTNT Hà Nội đã đề nghị Sở GTVT tạo điều kiện, nhưng chưa được vì số lượng quá lớn.

Với riêng Hà Nội, Sở GTVT hiện giờ phải cấp khoảng 1.000 giấy để lưu thông trên “luồng xanh”. Cho đến trưa nay (29/7), nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đăng ký được. Theo ông Tường, nguyên nhân là do các chốt làm việc hơi máy móc.

Ông Tường đề xuất, là chỉ cần kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, còn lại cần phải linh động. Sở NN&PTNT Hà Nội kiến nghị bỏ giấy chứng nhận phương tiện, bỏ "luồng xanh", để doanh nghiệp lưu thông tự do và chỉ kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo nguyên tắc 5K. “Với Hà Nội, nhu cầu lương thực, thực phẩm rất lớn. Khi giãn cách, chúng tôi đã kết nối với các Sở, ban, ngành và các tỉnh. Hiện có 461 cơ sở đã kết nối với Sở NN&PTNT Hà Nội”, ông Tường thông tin thêm.

An Giang kiến nghị ưu tiên hoạt động sản xuất nông nghiệp

Ông Trương Kiến Thọ, PGĐ Sở NN&PTNT An Giang, cho biết tỉnh này cũng gặp khó khăn giống Long An, với vấn đề chủ yếu nằm ở quả chanh. Nguyên do là các thương lái thu mua chanh đều qua chợ đầu mối và bị ngưng trệ tại đó. Vấn đề thứ hai là lúa. “Hiện tỉnh đã cố gắng thu hoạch 40% diện tích, nhưng còn 140.000 ha chưa thu hoạch, với sản lượng ước đạt 800.000 tấn”, ông Thọ nói.

Biện pháp hiện tại của An Giang là chia đội ngũ thành 2 nhóm. Nhóm 1 là xử lý trực tiếp gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành. Nhóm thứ 2 là nhóm nắm thông tin từ cơ sở. Trên cơ sở hoạt động của 2 nhóm này, cộng với việc sử dụng 2 số đường dây nóng, của Sở NN-PTNT và Chi cục Trồng trọt, việc sản xuất, lưu thông nội tỉnh tốt.

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Thống kê sản lượng gạo hàng hóa các tỉnh phía Nam tháng 8 và tháng 9/2021

Theo ông Thọ, An Giang hiện gặp hai khó khăn. Một là lúa đã vào mùa thu hoạch chính, nhưng một số kho như Tổng Công ty lương thực lại giảm sức mua. Điều này khiến thương lái tạm ngưng việc thu mua. Tỉnh An Giang rất lo vì hiện nay có khoảng hàng nghìn ha lúa cần thu hoạch mỗi ngày. Hai là yêu cầu sản xuất trong mùa dịch cần đảm bảo 3 tại chỗ. Nhưng điều ấy lại khiến công nhân ngại làm, khiến nhà máy xay xát khó hoạt động, và không thể dự trữ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang kiến nghị hai vấn đề tới Tổ công tác 970 của Bộ NN&PTNT. Một là hoạt động sản xuất nông nghiệp nên được xem là thiết yếu, cần được ưu tiên. Cần có chỉ đạo xuyên suốt, đồng bộ bởi một số nơi chưa đánh giá đúng mức độ của hoạt động này. nếu không, người dân sẽ xuống giống muộn vụ Thu Đông, nguy cơ gây mất lương thực. Hai là lực lượng vận chuyển, thương lái cần được ưu tiên tiêm vacxin để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng.

Cần đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu

Ông Huỳnh Quang Đức – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bến Tre cho biết tỉnh đang bị tồn một ít nhãn và dưa hấu, rau củ. Hiện nay, tỉnh lập Tiểu ban hậu cần gồm các ban ngành để kết nối với các hệ thống phân phối và vận động người Bến Tre tham gia tiêu thụ, giảm bớt khó khăn cho người sản xuất.

Hiện nay, tỉnh lo ngại về dừa, trong 2 tháng nữa sẽ vào vụ thu hoạch rộ, nếu dịch phức tạp thì không thu hoạch, sơ chế được do lao động đặc thù. Do đó tỉnh đang nghiên cứu phương án cho vấn đề này.

Bến Tre cho rằng, cần có đánh giá lại về các mặt hàng thiết yếu, không chỉ tập trung vào người tiêu thụ nữa mà phải chú trọng đến cả khối sản xuất. “Không uống café không sao nhưng người sản xuất café sẽ bị ảnh hưởng”, ông Đức nói. Ngoài ra, cần xác định rõ những người sản xuất, phân phối là lực lượng tuyến đầu để có phương án cụ thể dành cho họ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ Công tác 970 cho rằng, đối với hoa quả, rau củ còn tồn đọng, Bến Tre có thể liên hệ với các đơn vị tiêu thụ.

Về việc đánh giá lại các mặt hàng thiết yếu, đại diện Bộ - Truyền thông cho rằng khái niệm về hàng thiết yếu thì “kê không biết bao nhiêu cho đủ”. “Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công Thương về việc đưa ra vấn đề là ‘không vận chuyển những mặt hàng bị cấm’. Như thế sẽ thông thoáng cho vận chuyển hàng hóa. Văn bản hiện đã nằm trên bàn của Thủ tướng”, vị đại diện cho biết.

Đại diện Bộ Thông tin - Truyền thông cũng cho biết đã nhờ các cơ quan báo chí vào cuộc, truyền thông rộng rãi vấn đề này.

Long An kết nối tiêu thụ nông sản qua mạng xã hội

Theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Long An, phương pháp này mấy ngày qua khiến các doanh nghiệp kinh doanh nông sản “thấy đỡ rất nhiều” do kịp thời giải quyết các khó khăn về vận chuyển, thu hoạch, tiêu thụ.

Ông Nguyễn Chí Thiện, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Long An, cho biết. “Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, Long An đã thành lập đường dây nóng và kết nối với mạng xã hội Zalo. Hiện đường dây này do một Phó Giám đốc Sở NN&PTNT và một Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt nắm, kết nối trực tiếp với các huyện. Mỗi huyện cũng cử hai cán bộ Phòng NN&PTNT tham gia”.

Về tình hình sản xuất chung, ông Thiện cho biết mặt hàng chanh đang mùa thu hoạch. Sản lượng chanh của Long An mỗi ngày là 2.000 tấn. Các doanh nghiệp, tổ chức có thể liên hệ HTX nông nghiệp Bến Lức để tiêu thụ, số : 0915053879; hoặc liên hệ Nông trang Hải Âu.

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Thống kê sản lượng trái cây các tỉnh phía Nam tháng 8 và tháng 9/2021

Ngoài ra, Long An cũng đang tìm nguồn tiêu thụ dưa lưới, rau má, sản lượng mỗi ngày 2-3 tấn. Tỉnh này cũng đề cập tới lúa nếp, năng suất thu hoạch mỗi tháng 100.000 tấn.

Về vấn đề vận chuyển, tỉnh Long An cho biết hiện một số nơi yêu cầu lái xe nông sản cần có QR Code “luồng xanh” và giấy xét nghiệm âm tính. Tuy nhiên, chở thanh long từ Long An ra tới Hà Nội thì thời hạn 3 ngày là không đủ. Do đó, Long An đề nghị Bộ GTVT công bố các điểm test nhanh dọc đường để lái xe chủ động.

“Chúng tôi cũng đề nghị các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang lưu ý giúp vì hiện Long An có 150.000 ha lúa ngoài đồng cần thu hoạch. Rất mong các tỉnh này hỗ trợ doanh nghiệp bao tiêu, doanh nghiệp máy gặt đập. Tất nhiên, vẫn phải tuân thủ quy trình phòng chống dịch”, ông Thiện nói.

640.000 tấn trái cây cần kết nối, tiêu thụ trong tháng 8

Ông Lê Thanh Tùng – Cục phó Cục Trồng trọt - nêu một số thông tin quan trọng về sản lượng cây trồng các tỉnh phía Nam trong tháng tới. Theo đó, tháng 8 thu hoạch 700.000 ha lúa và 3,8 triệu tấn gạo. Trong đó có gạo nếp cần lưu ý vì tiêu thụ giảm.

Về rau, trong tháng 8 có khoảng 1,1 triệu tấn rau củ quả ở các tỉnh phía Nam, nhưng nhu cầu chỉ khoảng 500.000 tấn nên phần còn lại phải tìm phương án tiêu thụ, tập trung chủ yếu ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Về trái cây, có khoảng 640.000 tấn trong tháng 8 cần kết nối, tiêu thụ bao gồm: Xoài, chuối, thanh long, sầu riêng, bưởi, cam, nhãn, dứa và mít.

Hiện nay thu hoạch, trái cây tiêu thụ tương đối tốt nhưng bắt đầu có dấu hiệu chậm lại. Kể từ tháng 5-8 tháng năm, toàn bộ cây ăn trái phía Nam là trái vụ nên sản lượng không nhiều, nếu dư thừa chỉ là do ách tắc trong vận chuyển.

Chia nhỏ điểm bán hàng tới từng điểm cách ly

Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng Giám đốc Công ty TNHH San Hà Foods cho biết chuỗi cung ứng hàng hóa đến tay người là việc rất bức thiết. Đâu đó ách tắc là do không biết đi đâu mua. Sức mua của người tiêu dùng hạn chế, do phải xếp hàng ở các siêu thị, và không có đủ những mặt hàng họ cần.

Nghịch lý ở chỗ sản phẩm ở nông trại thì dư thừa, mà không cách nào đưa đến tay người tiêu dùng. Trong khi đó, cây trồng, vật nuôi có giới hạn nuôi trồng, không thể kéo dài mãi.

"Tôi mong muốn đặt những điểm test nhanh trên các tuyến vận tải. Còn về hệ thống siêu thị, tôi mong muốn các bộ, ngành đưa ra giải pháp là chia nhỏ ra các điểm do Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đứng ra hỗ trợ ở các khu cách ly. Như thế sẽ giảm tải việc xếp hàng ở siêu thị. Các hộ nông dân cũng nên chia nhỏ các kiện hàng để nhanh chóng đến tay người tiêu dùng", bà Hà đề xuất.

Cước vận tải xuất khẩu đường biển tăng phi mã

Ông Ông Nguyễn Đình Tùng,Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nông sản là lưu thông hàng hóa giữa các điểm trong và ngoài vùng dịch.

“Đề nghị Nhà nước và các địa phương có chính sách hỗ trợ chi phí kho bãi nhằm giúp doanh nghiệp tiêu thụ nguyên liệu được nhiều hơn cho bà con. Mặt khác, cước vận tải xuất khẩu đường biển đang tăng "phi mã" nên vô cùng khó bởi khách hàng không tăng giá mua. Bên cạnh đó hiện nay contener ngoài cảng nằm không rất nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn không thuê được”, ông Tùng cho biết.

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Các hãng tàu biển nước ngoài tăng cước vận chuyển khiến doanh nghiệp có mặt hàng xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng về chi phí. Ảnh minh họa: TTXVN.

Doanh nghiệp này cũng kiến nghị được hỗ trợ thêm giá điện bởi hệ thống kho phải vận hành “căng” hơn so với bối cảnh thông thường. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng kiến nghị Nhà nước ưu tiên tiêm vacxin cho người lao động trong khối doanh nghiệp kinh doanh nông sản.

Cần tập trung vào cả khâu sản xuất

Ông Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An phân tích: “Nếu không tập trung vào sản xuất mà chỉ quan tâm đến cung ứng thì chuỗi sẽ bị gián đoạn trong vòng 2 tháng tới".

Theo ông Huy, tình hình dịch bệnh hiện nay khác với tháng 5, số người mắc có thể đến hàng ngàn người/ngày. Do đó, cần có sự với các địa phương để đảm bảo công tác chống dịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân dân.

Mặc dù vậy, vẫn có những chỉ đạo quá tay, gây ra khó khăn không cần thiết. Hiện nay, những nơi đang đến vụ thu hoạch như nhãn, chanh, lúa, sầu riêng đang bị ách tắc do đội ngũ thu hoạch bị đứt gãy do yêu cầu công nhân chuyên biệt.

“Về thu hoạch, đối với lực lượng lao động này cần được di chuyển từ huyện sang huyện, từ tỉnh sang tỉnh. Mặc dù khó, nhưng phải có cơ chế kèm theo các yêu cầu về đảm bảo an toàn dịch bệnh và họ cần được xếp thứ tự ưu tiên trong tiêm vacxin. Ngoài ra, chúng ta cần làm vật tư sản xuất nông nghiệp được lưu thông thông thoáng hơn để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất. Cần quan tâm đến lực lượng nhân công làm việc ngoài đồng. Đưa nông dân, công nhân nông nghiệp vào danh sách những người làm việc trong ngành nghề ưu tiên và các lãnh đạo doanh nghiệp cần được đưa đến các trang trại để chỉ đạo sản xuất, tiếp tế cho công nhân của mình” ông Huy đề xuất. 

Kiến nghị siêu thị được sớm mở lại sau phun khử khuẩn

“Chúng tôi rất tôn trọng các quy định của TP Hồ Chí Minh, nhưng hàng hóa ở siêu thị cũng rất cần thiết. Thực tế, chỉ cần có một ca F0 ở siêu thị, thì phải đóng cửa phun khử khuẩn. Mỗi lần như thế mất đến cả tuần để mở lại. Tôi đề nghị chỉ nên đóng cửa 24-72 tiếng. Bởi nếu đóng cửa cả tuần, thì hàng tươi sống, hàng hóa trong đó không biết vận chuyển đi đâu”, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết.

Bà Hậu nói hiệp hội đang nỗ lực phục vụ người tiêu dùng. Vừa chống dịch, vừa không để đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Khó khăn lớn nhất là khâu vận chuyển hàng hóa. Ngay hôm qua, chúng tôi ghi nhận ý kiến nhiều siêu thị về việc các nhà cung cấp chuyển hàng từ các tỉnh về TP Hồ Chí Minh gặp vướng mắc ở các chốt kiểm soát. Họ nói là đưa giấy tờ ra nhưng chẳng ai cần xem, hàng hóa cứ thế ách tắc”, bà Hậu cho biết.

Lãnh đạo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam cho rằng không nên đưa ra khái niệm “hàng hóa thiết yếu” nữa, vì nó có thể thiết yếu cho người này, nhưng lại không thiết yếu cho người khác. “Trong thời gian vừa rồi, chúng ta có lẽ quá nghiêng về những mặt hàng như hàng tươi sống, thực phẩm. Bây giờ chúng ta nên 'cởi trói' cho các mặt hàng khác, ví dụ như hàng hóa cho phụ nữ. Các chuỗi siêu thị của chúng tôi trong miền Nam cho biết nếu tiếp tục như hiện tại, thì không thể không đứt gãy”.

Về shipper giao hàng, đi từ quận này sang quận kia của TP Hồ Chí Minh quá khó. Ở Hà Nội cũng vậy, đăng ký cho một shipper phải qua nhiều cơ quan như Sở Công thương, Sở GTVT. Ngoài ra, chuỗi siêu thị AEON Mall cũng gặp trở ngại do nhân viên đi từ nơi này sang nơi kia làm, ví dụ như đi từ Hưng Yên sang Hà Nội, cứ 3 ngày phải test một lần, khiến chi phí tăng cao. Với những lý do này, bà Hậu bày tỏ lo lắng un tắc trong các khâu cộng lại sẽ khiến đứt gãy cung ứng.

Nhiều địa phương kiến nghị bỏ “luồng xanh”, để hàng hóa lưu thông tự do

Thống kê sản lượng hàng hóa rau, củ, quả các tỉnh phía Nam tháng 8 và tháng 9/2021

“Đi giao hàng đã khổ, về lại khổ lần nữa. Không ít ý kiến từ các nhà cung ứng cho biết nhiều khi còn phụ thuộc vào sự vui buồn của cán bộ ở trạm kiểm soát”, bà Hậu nói.

Trả lời bà Hậu, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết các Sở NN&PTNT sẵn sàng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

“Đến giờ này, đa số hàng đã vào được, không còn vướng mắc. Đề nghị Hiệp hội liên hệ với đường dây nóng của Sở NN&PTNT. Ngay như Đồng Nai, hôm qua tôi đi thực địa ở đây, họ đã liên hệ và lập tức được hỗ trợ”, Thứ trưởng Nam cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết chính sách sẽ có điều chỉnh, song khâu quan trọng là Hiệp hội phải liên hệ ngay với các Sở NN&PTNT. “Tình hình dịch bệnh còn rất căng thẳng, do đó, chúng ta cần tiếp tục 'chiến đấu'. Vấn đề các siêu thị ở TP Hồ Chí Minh, chúng tôi sẽ liên hệ ngay với thành phố”, Thứ trưởng Nam kết luận.

Sóc Trăng kiến nghị cấp giấy giới thiệu cho các ghe thu mua lúa

Lúa Sóc Trăng đang vào vụ thu hoạch Hè Thu, diện tích vào khoảng 141.000 ha, dự kiến thu hoạch 800.000 tấn và sắp tới sẽ bước vào mùa cao điểm. Ngoài ra, tỉnh cũng có nhu cầu tiêu thụ cây ăn trái như nhãn, bưởi, chanh, cam, quất. Hiện nay, tỉnh đã cử một doanh nghiệp đại diện đứng ra thu mua cây ăn quả cho toàn tỉnh.

Với lúa, tỉnh đã có giải pháp thu mua tại địa phương, phần còn lại bán cho tỉnh ngoài, tuy nhiên các ghe thương lái đang bị khó tiếp cận. Do đó, Sóc Trăng đồng ý với phương án cho các ghe có giấy giới thiệu của Sở NN&PTNT được di chuyển thuận lợi để đảm bảo công tác thu mua.

Tags:
3.8 9 5 Nhấn vào đây để đánh giá
Tin liên quan
Tỷ giá

Tài chính - Ngân hàng

Giá ngoại tệ ngày 24/11/2024: USD tiếp đà tăng, trụ vững trên mốc 107
(Tieudung.vn) Giá ngoại tệ ngày 24/11/2024, tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm tuần 3...
 
Giá vàng ngày 24/11/2024: Vàng nhẫn
(Tieudung.vn) Giá vàng ngày 24/11/2024, SJC ổn định vàng nhẫn tiếp đà tăng nhẹ gần cán mốc 87 triệu...
 
Ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập từ ngày 1/1/2025
(Tieudung.vn) Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 50/2024/TT-NHNN quy định về các yêu cầu bảo đảm...

Giá - Sản phẩm

Giá nông sản ngày 24/11/2024: Cà phê và hồ tiêu cùng tăng
(Tieudung.vn) Giá nông sản ngày 24/11/2024, cà phê tiếp chuỗi ngày tăng giá mạnh so với phiên giao dịch...
 
Giá heo hơi ngày 24/11/2024: Tăng giảm trái chiều tại các địa phương
(Tieudung.vn) Giá heo hơi ngày 24/11/2024, biến động trái chiều trên cả nước. Trong khi miền Bắc giảm nhẹ...
 
Giá heo hơi ngày 23/11/2024: Miền Nam tăng giá ở nhiều nơi
(Tieudung.vn) Giá heo hơi ngày 23/11/2024, biến động nhiều tại thị trường phía Nam. Theo khảo sát, giá heo...
Giá nông sản
Nguồn: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn Xem thêm »

Chuyên trang Tiêu dùng - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử, Cơ quan của UBND TP. Hà Nội
Giấy phép số: 27/GP-CBC do Bộ Thông tin & Truyền thông cấp ngày 17/05/2022
Tổng Biên tập: Nguyễn Thành Lợi

() Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Tieudung.kinhtedothi.vn

Share facebook Share google Share twitter Share linkedin Share pinterest
1.53878 sec| 929.891 kb