Theo Thông tư 14/2017 của Ngân hàng Nhà nước ban hành mới đây quy định về phương pháp tính lãi trong hoạt động nhận tiền gửi, cấp tín dụng giữa tổ chức tín dụng với khách hàng, từ 1/1/2018, lãi suất tính lãi được quy đổi theo lãi suất năm, 1 năm được xác định là 365 ngày.
Ngân hàng áp dụng cách tính lãi mới: Người vay lợi
Vì vậy những ngày giao dịch đầu tiên của năm mới, nhiều ngân hàng thương mại như Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV)... đã thông báo đến khách hàng áp dụng cách tính lãi mới đối với tiền gửi tiết kiệm và cho vay. Việc thay đổi này phù hợp với quy định của Luật Dân sự sửa đổi, cũng giúp các NH thương mại thống nhất cách tính lãi.
Cụ thể, với cách tính mới, do phần lãi được chia nhỏ ra nên người gửi tiền sẽ chịu thiệt đôi chút so với trước đây. Tuy nhiên, người đi vay sẽ lại có lợi hơn trước theo cách tính này.
Theo một chuyên gia kinh tế, việc thực hiện thay đổi này là phù hợp và cần thiết. Trên thực tế tại nhiều quốc gia lớn trên thế giới như Mỹ, cách tính lãi suất dựa trên cơ sở quy đổi 1 năm là 365 ngày đã được áp dụng cách đây nhiều năm.
Trước đó, đa phần các ngân hàng vẫn tính lãi (cho vay và gửi) với cách quy ước trên hợp đồng là 360 ngày, trong khi số ngày thực tế trong năm là 365 hoặc 366 ngày.
Với cách tính lãi mới, số tiền lãi của khách hàng gửi tiết kiệm nhận được có thể sẽ bị giảm so với trước đây. Chẳng hạn với lãi suất 7%/năm, khách hàng gửi 1 tỷ đồng, nếu tính lãi theo 360 ngày/năm thì mỗi ngày khách hàng sẽ nhận được 195.000 đồng. Nhưng nếu tính theo quy ước 1 năm = 365 ngày thì mỗi ngày khách hàng sẽ được nhận lãi là gần192.000 đồng.Ngược lại, cũng với cách tính tương tự thì cách tính lãi mới này, người vay tiền sẽ được lợi hơn khi số lãi phải trả hằng ngày sẽ ít đi.