Những năm gần đây, với công nghệ hiện đại, Fintech (công nghệ tài chính) phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam đã giúp thay đổi quy trình nghiệp vụ truyền thống của ngành ngân hàng - tài chính bao gồm thanh toán, cho vay, huy động vốn…
Đồng thời mang lại cơ hội và tiện ích, tiết giảm chi phí, tạo trải nghiệm mới cho người sử dụng.
|
Ông Nguyễn Kim Anh - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính là xu hướng tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng. |
Tại Hội thảo Quốc tế thường niên về chủ đề “Ngân hàng và Fintech: Cơ hội và thách thức”, ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, Việt Nam hiện có hơn 70 công ty Fintech. Sự xuất hiện của các công ty công nghệ tài chính là xu hướng tất yếu trong hoạt động tài chính ngân hàng trên phạm vi toàn cầu, mang lại cơ hội cũng như thách thức đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Còn theo đánh giá của ông Marco Breu, Tổng Giám đốc McKinsey &Company Vietnam, sự phát triển về kinh tế và công nghệ của Việt Nam mở ra cơ hội cho rất nhiều công ty công nghệ tài chính.
“Trung bình hơn 50% những người được khảo sát ở Việt Nam sẵn sàng và cởi mở trong thanh toán kỹ thuật số. Trong vòng 10-15 năm tới, mô hình ngân hàng truyền thống sẽ không còn nhiều triển vọng, thay vào đó là sự hợp tác giữa các ngân hàng với các công ty Fintech”, ông Marco Breu nhận định.
Nhiều ý kiến tại hội thảo cho thấy, hiện nay các ngân hàng không còn coi các công ty Fintech là đối thủ cạnh tranh mà là đối tác phối hợp cùng nhau để phục vụ khách hàng tốt hơn.
Ông Võ Tấn Long, Giám đốc Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng số, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng VPBank cho biết, ngân hàng đã hợp tác với các công ty Fintech trong 3 lĩnh vực chủ yếu gồm thanh toán, đặc biệt là thanh toán điện tử.
Thứ hai là cùng với công ty cung ứng dịch vụ có lượng dữ liệu lớn về khách hàng như các công ty bán lẻ, các công ty viễn thông. Thứ ba là hợp tác với công ty tạo ra các trải nghiệm hoàn toàn khác trong lĩnh vực ngân hàng.
“Sắp tới ngân hàng đẩy mạnh hợp tác với một số công ty Fintech để khách hàng có thông tin sâu hơn về tài chính của mình và quản lý tốt hơn tài chính”, ông Long chia sẻ.
Hiện thị trường Việt Nam có nhiều công ty khởi nghiệp FinTech, cung cấp các công cụ để hỗ trợ ngân hàng, cung cấp thông tin, đánh giá tiêu dùng cho ngân hàng để làm cơ sở tham khảo trước khi cho vay tín dụng. Ngoài ra, công nghệ tài chính Fintech còn cung cấp các công cụ kỹ thuật số để cải thiện cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc, tài trợ vốn cho khởi nghiệp...
Tuy nhiên, đây là một lĩnh vực mới lại liên tục phát triển, đổi mới với nhịp độ nhanh, trong khi đó, hành lang pháp lý hiện hành tại Việt Nam cho hoạt động nghiệp vụ và định hướng phát triển trong tương lai của các công ty Fintech nhìn chung còn thiếu hoặc chưa tương thích với bối cảnh số hóa, ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và mới chỉ tập trung vào khía cạnh thanh toán.
Ông Nguyễn Quang Huy, chủ tịch HĐQT Dự án Fintech tại Việt Nam cho rằng, khi các ngân hàng đưa công nghệ ứng dụng vào các giao dịch sẽ minh bạch hóa dòng tiền, an toàn và thuận tiện cho người dân.
“Hiện nay còn một vài vấn đề về hành lang pháp lý như việc Nhà nước chủ trương giảm thanh toán tiền mặt, tăng thanh toán trực tuyến… nhưng làm thế nào để đưa ứng dụng vào đời sống. Các Starup Việt Nam chưa bắt tay được với ngân hàng, cho nên Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cần đề xuất hành lang pháp lý và giải pháp để Starup Việt liên quan đến tài chính ngân hàng yên tâm triển khai”, ông Huy cho biết.
Ngân hàng Nhà nước xác định, một trong những ưu tiên thời gian tới là tập trung xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động công nghệ tài chính, bổ sung sửa đổi quy định của ngành ngân hàng để tương thích phù hợp với bối cảnh số hóa.
Đối với những nghiệp vụ mới của công nghệ tài chính Fintech mà khuôn khổ pháp lý hiện hành chưa quy định, Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng thử nghiệm, điều chỉnh phù hợp với chuẩn mực quốc tế và hướng tới ban hành khung khổ pháp lý quản lý chính thức.