Theo BBC, một cựu đồng nghiệp của ông này là ông Stuart Scott, từng là giám đốc phụ trách giao dịch ngoại hối của HSBC tại châu Âu, cũng bị nhà chức trách buộc tội.
Mark Johnson. (Ảnh: Thanhnien) |
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc hai nghi phạm trên đã sử dụng thông tin nội bộ để trục lợi từ một hợp đồng mua ngoại tệ trị giá 3,5 tỉ USD.
Theo thuật ngữ của giới tài chính, họ đã vi phạm lỗi "chạy trước" (front-running) - thường dùng chỉ hành vi kiếm lời phi đạo đức của một nhân viên môi giới trong khi tiến hành giao dịch cho khách hàng.
Ông Mark Johnson và ông Stuart Scott đã mua tích trước đồng bảng Anh vào những tài khoản của họ ở HSBC trước khi giao dịch cho khách hàng lớn đó được thực hiện.
Vì họ thừa hiểu rằng, một giao dịch lớn như vậy sẽ đẩy giá trị đồng bảng Anh lên, theo đó họ và ngân hàng HSBC sẽ kiếm bộn tiền từ độ chênh lệch tỉ giá phát sinh sau giao dịch đó. Trong trường hợp này, DoJ ước tính HSBC thu lời khoảng 8 triệu USD.
Tập đoàn HSBC cho biết, họ không bình luận về sai phạm của các cá nhân và vụ việc vẫn đang diễn ra.
Tuy nhiên người phát ngôn tập đoàn này cho biết HSBC đã hợp tác với quá trình điều tra đang diễn ra của DoJ về các thị trường tiền tệ toàn cầu.
Sau khi bị bắt vào tối 19/7 tại sân bay quốc tế John F. Kennedy và trải qua một phiên điều trần trước tòa ngày 20/7, ông Johnson được tại ngoại sau khi đóng 1 triệu USD tiền bảo lãnh.
Mark Johnson và Stuart Scott đều là công dân Anh. Ông Scott rời HSBC năm 2014 sau khi đồng ý trả 618 triệu USD để giải quyết cuộc điều tra gian lận ở Anh. Hiện ông vẫn đang ở Anh và giới chức Mỹ có thể xem xét việc dẫn độ.
Với ông Johnson, việc bắt giữ xảy ra hơn một năm sau khi năm ngân hàng toàn cầu thừa nhận thao túng tỷ giá thị trường ngoại hối. Dù HSBC đã đồng ý giải quyết vụ việc nhưng tập đoàn vẫn chịu sự điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.
HSBC là một trong 6 ngân hàng lớn của Mỹ và châu Âu từng bị phạt tổng cộng 4,2 tỉ USD hồi tháng 11/2014 vì tội thao túng tỉ giá thị trường ngoại hối.