Tham dự Hội nghị có đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương), các hiệp hội chuyên ngành, các đại diện thương mại nước ngoài và các doanh nghiệp. Hội nghị đã cập nhật tình hình thị trường, thảo luận các xu hướng, giải pháp để thích ứng với tình hình hiện nay. Một trong những vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp cần phải thay đổi như thế nào để đáp ứng được các chính sách mới hướng tới sản xuất xanh, thân thiện với môi trường, tuân thủ trách nhiệm xã hội, đồng thời cần nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí nhờ sử dụng hiệu quả các nguồn lực, từ đó thâm nhập sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam.
Các đại biểu chia sẻ tại hội nghị
Với vai trò là một điểm hẹn giao thương quốc tế, chuỗi triển lãm công nghiệp sơn, giấy, cao su, nhựa là cơ hội để các doanh nghiệp, nhà sản xuất, nhà cung ứng, nhà phân phối, người mua và các chuyên gia kỹ thuật đẩy mạnh kết nối và hợp tác kinh doanh sau những tác động tiêu cực của đại dịch vừa qua. Đồng thời giúp các bên cập nhật sản phẩm, kỹ thuật, công nghệ mới và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn hướng đến phát triển bền vững.
Đây là chuỗi sự kiện thương mại quốc tế thường niên được tổ chức bởi VEAS trong hơn 10 năm qua. Triển lãm nhận được sự ủng hộ và quan tâm mạnh mẽ từ các Bộ, ngành, hiệp hội trong nước và quốc tế như: Cục hóa chất, Hiệp hội Giấy và bột giấy Việt Nam (VPPA), Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA), Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), Hội cao su nhựa TP Hồ Chí Minh (RUPA), Hội đồng Xúc tiến Xuất khẩu Hóa chất cơ bản, dược phẩm và mỹ phẩm Ấn Độ (CHEMEXCIL), Hiệp hội các nhà máy giấy tái chế & nông sản Ấn Độ (IARPMA), Hiệp hội các nhà sản xuất Keo dán và Vật liệu phủ Hàn Quốc (KACA).
Quang cảnh hội nghị
Chia sẻ tại hội nghị, ông Đặng Văn Sơn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội giấy Việt Nam cho biết, năm 2022 Việt Nam xuất khẩu khoảng 15 triệu tấn dăm gỗ với giá thành chỉ khoảng 2 triệu đồng/tấn. Trong khi đó chúng ta nhập khoảng 500.000 tấn bột giấy với giá bột giấy khoảng 20 triệu đồng/tấn (bao gồm thuế VAT).
“Chúng ta thấy rằng là nếu như chúng ta có 2 tấn dăm tương đương 4 triệu đồng thì sản xuất được 1 tấn bột giấy với giá bán khoảng 20 triệu đồng. Như vậy chúng ta thấy là lãi rất cao. Đơn cử là doanh nghiệp mà sản xuất bột giấy lớn nhất của Việt Nam là An Hòa. Năm 2022 họ sản xuất được 170.000 tấn bột giấy và họ lãi đâu đó khoảng 1500 tỉ. Nếu như chúng ta có 15 triệu tấn dăm gỗ thì chúng ta sản xuất được 7 triệu tấn bột giấy. Chúng ta nhân lên thì nhiều tiền lắm. Do vậy đấy là cái thua thiệt của chúng ta và nói chung tình hình công nghiệp cũng như vậy các khoáng vật hay nguyên liệu thô, rất có điều kiện của chúng ta nhưng chúng ta không tận dụng được, chúng ta chỉ xuất thô và làm gia công thôi. Đây là một điều rất là buồn, ông Sơn băn khoăn.
Theo ban tổ chức, triển lãm năm nay sẽ có 230 doanh nghiệp đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trưng bày, dự kiến đón khoảng 8.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế. Bốn triển lãm thương mại quốc tế chuyên ngành Sơn, Giấy, Cao su, Nhựa: PAPER VIETNAM 2023 - Triển lãm và Hội thảo Quốc tế thứ 10 chuyên ngành công nghiệp giấy và bột giấy; RUBBER & TYRE VIETNAM 2023 - Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 9 chuyên ngành công nghiệp cao su và sản xuất xăm lốp xe; COATINGS EXPO VIETNAM 2023 - Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 8 về chuyên ngành sơn phủ, tạo màu, nhuộm và mực in; PLASTECH VIETNAM 2023 - Triển lãm và Hội thảo Quốc tế lần thứ 4 về Máy, thiết bị, công nghệ và nguyên phụ liệu ngành nhựa sẽ diễn ra từ ngày 14-16/6/2023 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), TP Hồ Chí Minh.