Chỉ đáp ứng một phần nhu cầu
Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, với quy mô sản xuất hiện nay, ngành nông nghiệp Thủ đô đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở một số loại thực phẩm như thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm. Tuy nhiên, nhiều mặt hàng khác mới chỉ đáp ứng được một phần thị trường như gạo 40%, thịt bò 20%, thực phẩm chế biến 25%, thủy sản nước ngọt 40%, rau củ quả 40%... Khối lượng lớn nông sản, thực phẩm còn thiếu phải nhập từ các tỉnh, TP lân cận.
|
|
Thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai, ký kết các hợp đồng hợp tác xúc tiến thương mại nông nghiệp với một số tỉnh, TP vùng Đông Bắc và Đồng bằng sông Hồng. Từ đầu năm 2018 đến nay, một lượng lớn nông sản, thực phẩm an toàn từ nhiều địa phương đã được đưa về Hà Nội tiêu thụ. Tiêu biểu như tỉnh Điện Biên: 50 tấn bí xanh, bí phấn, rau bò khai; tỉnh Vĩnh Phúc: 2.500 tấn rau củ quả, 3 triệu quả trứng gà, 500 tấn lợn thịt, 100 tấn thủy sản; tỉnh Hòa Bình: 210 tấn rau các loại, 210 tấn cá sông Đà…
"Thời gian tới, Sở NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan cần tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng cường liên kết vùng trong cung cấp thực phẩm sạch cho Hà Nội. Bên cạnh số lượng, cần có phương án giám sát để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm, bảo đảm mang đến cho người tiêu dùng Thủ đô những nông sản an toàn, tươi ngon nhất." - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc. |
Điều đáng ghi nhận là các tỉnh, TP nằm trong Chương trình đều đã chủ động, tích cực trong việc xây dựng, quy hoạch, phát triển các vùng sản xuất rau, thịt an toàn để cung cấp cho Hà Nội. Thống kê đến nay, 21 tỉnh, TP lân cận đã xây dựng và phát triển được 461 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cung cấp khối lượng lớn nông sản sạch phục vụ người dân của địa phương và Hà Nội.
Giám sát chặt chất lượng nông sản
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Chương trình phối hợp phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt an toàn cho TP là bảo đảm chất lượng của nông sản, thực phẩm. Trong 7 tháng đầu năm 2018, các đơn vị chức năng của Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức kiểm dịch trên 1,6 triệu con gia súc, gia cầm và khoảng 117 tấn sản phẩm động vật từ các tỉnh, TP chuyển về Hà Nội tiêu thụ. Đồng thời, thanh, kiểm tra trên 70.300 lượt cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm, xử phạt vi phạm tổng số tiền trên 17 tỷ đồng…
Việc mở rộng hợp tác, liên kết với các tỉnh, TP để đưa nông sản sạch về tiêu thụ là nhiệm vụ rất quan trọng trong bối cảnh nguồn cung thực phẩm tại chỗ của Hà Nội đạt thấp. Dù vậy, công tác này hiện gặp không ít khó khăn như chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, tỷ lệ nông sản có truy xuất nguồn gốc còn thấp; việc xây dựng vùng, cơ sở sản xuất an toàn dịch bệnh chưa được chú trọng…
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý dịch bệnh, kiểm dịch sản phẩm động vật và an toàn thực phẩm. Phối hợp định kỳ lấy mẫu, giám sát phân tích chất lượng nông sản của các tỉnh, TP đưa về Hà Nội. Ông Tường cũng đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, TP tích cực tham mưu cho lãnh đạo địa phương đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp chủ lực, nhằm tạo ra những sản phẩm đặc sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc cung cấp cho thị trường Hà Nội.